HỒ SƠ DỰ THI
Kính thưa các Thầy giáo, cô giáo trong Hội đồng ban giám khảo
Tôi là: Lý Minh Hằng .
Được sự chấp nhận của Bà Đỗ Thị Vịnh là khách hàng của Công ty luật số 5 Quốc gia. Được sự cho phép của người hướng dẫn Luật sư Mai Bích Ngân – Luật sư công ty luật số 5 Quốc gia, tôi xin sử dụng hồ sơ vụ “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” để trình bày trước Hội đồng ban giám khảo của Bộ tư pháp tại kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư năm 2012. Nội dung cụ thể như sau:
CÁC KỸ NĂNG THỰC HIỆN VỤ VIỆC
I- KỸ NĂNG TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN.
Là luật sư tập sự tại Công ty luật số 5 Quốc gia, tôi được hướng dẫn từ những việc đầu tiên đó là tiếp nhận thông tin của khách hàng. Việc tiếp nhận thông tin qua nhiều phương thức, điện thoại, người giới thiệu, mối quan hệ quen biết của những người thân, của bạn bè, của đồng nghiệp vv…Khi tiếp xúc trên bất kỳ phương thức nào, vận dụng các quy tắc ứng xử của nghề nghiệp, bản thân phải thể hiện được cách diễn đạt rõ ràng mạch lạc, vui vẻ, tạo nên uy tín và vị thế của Công ty, niềm tin ban đầu của khách hàng đối với công việc mà họ có nhu cầu hợp đồng mời luật sư văn phòng mình tham gia bảo vệ cho thân nhân của họ, hoặc chính bản thân người vi phạm đến yêu cầu tư vấn hoặc bảo vệ quyền lợi cho họ. Tuyệt đối không được hứa hẹn và làm những điều trái với quy định của pháp luật. Những thông tin tiếp nhận được, phải báo cáo ngay với lãnh đạo Công ty để được hướng dẫn và phân công công việc liên quan đến vụ án mà Công ty tiếp nhận.
Sau khi tiếp nhận thông tin của khách hàng, được sự phân công của Luật sư hướng dẫn, tôi đã ghi chép đầy đủ thông tin ban đầu. Đồng thời đề nghị khách hàng đến Công ty tại địa chỉ số 9 Nguyễn Đình Chiểu để làm các thủ tục cần thiết cụ thể là: Ký giấy yêu cầu Luật sư, hợp đồng dịch vụ pháp lý. Nghe Luật sư hướng dẫn hỏi về những thông tin phục vụ cho công việc, giải thích những điều khách hàng quan tâm, tư vấn những vấn đề liên quan và thu phí, thù lao luật sư theo thoả thuận trong hợp đồng đã ký kết.
II- KỸ NĂNG THU THẬP THÔNG TIN CỦA KHÁCH HÀNG.
Qua trao đổi được biết Bà Đỗ Thị Vịnh – Nguyên đơn trong vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản, sinh ngày 01/2/1971, trú tại: Thôn Đông Kết, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
1. Tóm tắt vụ việc như sau:
Gia đình bà Đỗ Thị Vịnh có quan hệ họ hàng với gia đình nhà ông Nguyễn Đức Giang và bà Đinh Thị Tuyến, đồng thời cùng sinh sống và là hàng xóm láng giềng gần nhau. Từ năm 2009 đến năm 2010. Vợ chồng ông Giang bà Tuyến đã vay mượn tiền của cá nhân bà Vịnh để phục vụ việc kinh doanh của cả 2 vợ chồng. Những lần ông Giang bà Tuyến đến nhà bà Vịnh để vay mượn tiền, tự tay ông Giang bà Tuyến đã viết và kí vào sổ tay của bà Vịnh. Bản thân bà Vịnh đã trực tiếp trao tiền cho bên vay, được kiểm đếm và nhận đủ. Thời gian và số tiền vay cụ thể như sau:
Ngày 28/8/2009 (âm lịch) bà Tuyến vay 100.000.000, VNĐ (một trăm triệu);
Ngày 28/10/2009 bà Tuyến vay 100.000.000, VNĐ (một trăm triệu);
Ngày 08/11/2009 (âm lịch) bà Tuyến vay 30.000.000, VNĐ ( Ba mươi triệu đồng);
Ngày 13/2/2010 ông Giang vay 30.000.000, VNĐ (Ba mươi triệu đồng);
Tổng số tiền gốc vợ chồng ông Giang và bà Tuyến vay là: 260.000.000, VNĐ (hai trăm sáu mươi triệu đồng chẵn).
Quá trình vay mượn 2 bên có thỏa thuận và thống nhất bằng lời nói các nội dung như sau:
1. Về lãi suất: Theo thỏa thuận giữa 2 bên thống nhất thanh toán cho nhau theo từng tháng một với giá trị là 5.400.000 VNĐ/1 tháng (tính đủ 30 ngày).
2. Về tiền gốc: Khi có nhu cầu đòi nợ, bà Vịnh sẽ thông báo cho ông Giang và bà Tuyến trước thời gian là 2-3 ngày. Đồng thời bên vay mượn (ông Giang, bà Tuyến) có trách nhiệm thanh toán ngay số tiền gốc đã vay để trả cho bà Vịnh.
Sau khi vay mượn số tiền của bà Vịnh, vợ chồng ông Giang, bà Tuyến có thanh toán cho bà Vịnh phần lãi suất đến hết tháng 1/2010 (âm lịch). Số tiền lãi hàng tháng là 5.400.000 VNĐ/tháng (nếu tính đủ 1 tháng = 30 ngày với tổng tiền gốc là 260.000.000 VNĐ). Kể từ tháng 2/2010 (âm lịch) đến nay, bên vay nợ ông Giang bà Tuyến không hề thanh toán cho bà Vịnh về khoản tiền lãi suất theo thoả thuận đã thống nhất.
Đến 4/1/2010 (âm lịch), bà Vịnh có tới nhà và thông báo cho ông Giang, bà Tuyến phải thanh toán trả bà phần tiền gốc đã vay. Lần đầu tiên, bên vay nợ có khất, bà Vịnh cho chậm lại khoảng 1 tuần rồi thanh toán. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà đã đến nhà đòi rất nhiều lần, đồng thời tạo điều kiện bằng các biện pháp: giãn thời gian trả nợ lên 1 tháng và cho phép trả nợ bà phần gốc dần dần với mỗi lần thanh toán là 100.000.000 VNĐ (một trăm triệu).
Nhưng bên vay nợ (vợ chồng Giang Tuyến) đã cố tình kéo dài thời gian, khất nợ nhiều lần nhưng không thanh toán phần nghĩa vụ trả nợ số tiền đã nợ của bà.
Bà Đỗ Thị Vịnh được giới thiệu đến Công ty luật số 5 Quốc gia thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà nội. Nội dung yêu cầu của bà Vịnh với Công ty như sau:
+ Cử luật sư tư vấn pháp luật các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án trên.
+ Cử luật sư tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Vịnh cho đến khi Tòa án có thẩm quyền ra bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật về việc giải quyết vụ án.
Tất cả những nội dung trên của bà Đỗ Thị Vịnh đã được ghi chép đầy đủ, sau đó luật sư Mai Bích Ngân hướng dẫn bà Đỗ Thị Vịnh các thủ tục theo quy định của pháp luật để làm căn cứ cho việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bà tại Tòa án. Các thủ tục bao gồm:
– Giấy yêu cầu Luật sư
– Hợp đồng dịch vụ pháp lý
– Thù lao và các chi phí khác theo thỏa thuận.
III- KỸ NĂNG CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ CHO VỤ ÁN.
1. Giúp đương sự soạn thảo các văn bản gửi toà án.
– Soạn thảo Đơn khởi kiện gửi Toà án nhân dân huyện Khoái Châu –tỉnh Hưng Yên.
2. Chuẩn bị các văn bản giấy tờ để làm thủ tục tại Tòa án.
Chuẩn bị các giấy tờ liên quan sau khi đã ký giấy yêu cầu luật sư và hợp đồng dịch vụ pháp lý:
+ Phiếu yêu cầu Luật sư
+ Thẻ luật sư (bản sao)
+ Giấy giới thiệu
Luật sư hướng dẫn phân công người tập sự hành nghề Luật sư cùng đi liên hệ với Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu để làm thủ tục tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Đỗ Thị Vịnh tại phiên Tòa sơ thẩm. Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu đã đồng ý cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự cho Luật sư Mai Bích Ngân – Công ty luật số 5 Quốc Gia, là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bà Đỗ Thị Vịnh trong vụ án dân sự sơ thẩm số: 09/2012/TLST-LH ngày 16/5/2012.
3. Nghiên cứu hồ sơ tìm tài liệu.
– Nghiên cứu điều 305;471;474;477 của Bộ luật dân sự.
Điều 305. Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
1. Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại; nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết với bên có quyền thì bên này có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Điều 471. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay.
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Điều 477. Thực hiện hợp đồng vay không kì hạn.
1. Đối với hợp đồng vay không kì hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kì hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất kì lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý.
– Nghiên cứu điều 128; 131 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 128. Xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí thu được
1. Toàn bộ án phí, lệ phí thu được phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước.
2. Tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí được nộp cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền để gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại kho bạc nhà nước và được rút ra để thi hành án theo quyết định của Toà án.
3. Người đã nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí phải chịu án phí, lệ phí thì ngay sau khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực thi hành, số tiền tạm ứng đã thu được phải được nộp vào ngân sách nhà nước.
Trong trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp theo bản án, quyết định của Toà án thì cơ quan thi hành án đã thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí phải làm thủ tục trả lại tiền cho họ.
4. Trong trường hợp việc giải quyết vụ việc dân sự bị tạm đình chỉ thì tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí đã nộp được xử lý khi vụ việc được tiếp tục giải quyết.
Điều 131. Nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm
1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Toà án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn nộp án phí sơ thẩm hoặc không phải nộp án phí sơ thẩm.
2. Trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Toà án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi bên đương sự phải nộp án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.
3. Trước khi mở phiên toà, Toà án tiến hành hoà giải nếu các bên đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.
5. Trong vụ án có đương sự được miễn nộp án phí sơ thẩm thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
6. Trong trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
4. Lên kế hoạch hỏi, xác định hướng bảo vệ tại phiên Tòa.
*Kế hoạch hỏi tại phiên Toà:
Căn cứ những tình tiết có trong hồ sơ vụ án lên kế hoạch hỏi tại phiên Tòa.
– Hỏi người bị kiện;
– Hỏi người khởi kiện;
– Hỏi những người liên quan.
*Xác định hướng bảo vệ tại phiên Tòa.
5. Đế xuất với Luật sư hướng dẫn xây dựng luận cứ bào chữa tại Tòa.
5.1. Quan điểm cá nhân về vụ việc dưới góc độ quy định của pháp luật:
Theo quy định của pháp luật thì giữa bà Đỗ Thị Vịnh và ông Giang bà Tuyến đã xác lập hợp đồng vay tài sản theo quy định tại điều 471. Bộ Luật Dân sự năm 2005.
Theo đó, cũng như các lại hợp đồng khác hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ trong đó có các nghĩa vụ cơ bản sau: bên cho vay giao cho bên vay một khoản tiền hoặc vật. Khi đến hạn trả bên vay phải hoàn trả tiền hoặc vật cùng loại theo đúng số lượng chất lượng.
Pháp luật quy định bản chất hợp đồng vay tài sản được thể hiện chủ yếu ở nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Với tính chất là hợp đồng đơn vụ và thực tế thì trong hầu hết các trường hợp, tương ứng với thời điểm xác lập hợp đồng, bên cho vay đã đồng thời chuyển giao tài sản vay cho bên vay làm sở hữu còn bên vay chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn của hợp đồng.
Hợp đồng xác lập giữa bên vay và bên cho vay trên lại là hợp đồng vay không kì hạn (điều 477. Bộ luật Dân sự). Kì hạn là một nội dung quan trọng của hợp đồng vay tài sản. Việc xác định kì hạn là căn cứ để xác định nghĩa vụ trả nợ của bên vay, đồng thời căn cứ xác định quyền nhận lại tài sản và lãi của bên cho vay, là căn cứ tính lãi theo trên nợ gốc và lãi cho thời gian chậm trả. Trong trường hợp này do hai bên có tình cảm gia đình họ hàng, cho vay nhằm tương trợ, giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn thiếu thốn. Đây là hợp đồng vay tài sản không kì hạn và có lãi, khoản lãi tính trên cơ sở thời gian vay, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả nợ và thực hiện nghĩa vụ trả nợ bất kì lúc nào, nhưng bên cho vay chỉ có quyền yêu cầu trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay có nghĩa vụ trả lãi cho đến thời điểm trả nợ. Mỗi bên thực hiện quyền đó của mình đều phải thông báo cho bên kia biết trước trong thời gian hợp lý tạo sự chủ động giải quyết công việc.
Vì vậy, yêu cầu đòi lại tài sản từ phía Nguyên đơn (bà Vịnh) là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.
5. 2. Quan điểm cá nhân dưới góc độ cơ sở thực tiễn của vụ việc:
– Giữa bà Vịnh và ông Giang bà Tuyến trên thực tế có tồn tại hợp đồng vay tài sản:
Thời gian và số tiền vay cụ thể như sau:
Ngày 28/8/2009 (âm lịch) bà Tuyến vay 100.000.000, VNĐ (một trăm triệu);
Ngày 28/10/2009 bà Tuyến vay 100.000.000, VNĐ (một trăm triệu);
Ngày 08/11/2009 (âm lịch) bà Tuyến vay 30.000.000, VNĐ ( Ba mươi triệu đồng);
Ngày 13/2/2010 ông Giang vay 30.000.000, VNĐ (Ba mươi triệu đồng);
Tổng số tiền gốc vợ chồng ông Giang và bà Tuyến vay là: 260.000.000, VNĐ (hai trăm sáu mươi triệu đồng chẵn).
– Hợp đồng vay không kì hạn và có thoả thuận lãi suất:
1. Về lãi suất: Theo thỏa thuận giữa 2 bên thống nhất thanh toán cho nhau theo từng tháng một với giá trị là 5.400.000 VNĐ/1 tháng (tính đủ 30 ngày).
2. Về tiền gốc: Khi có nhu cầu đòi nợ, bà Vịnh sẽ thông báo cho ông Giang và bà Tuyến trước thời gian là 2-3 ngày. Đồng thời bên vay mượn (ông Giang, bà Tuyến) có trách nhiệm thanh toán ngay số tiền gốc đã vay để trả cho bà Vịnh.
Sau khi vay mượn số tiền của bà Vịnh, vợ chồng ông Giang, bà Tuyến có thanh toán cho bà Vịnh phần lãi suất đến hết tháng 1/2010 (âm lịch). Số tiền lãi hàng tháng là 5.400.000 VNĐ/tháng (nếu tính đủ 1 tháng = 30 ngày với tổng tiền gốc là 260.000.000 VNĐ). Kể từ tháng 2/2010 (âm lịch) đến nay, bên vay nợ ông Giang bà Tuyến không hề thanh toán cho bà Vịnh về khoản tiền lãi suất theo thoả thuận đã thống nhất.
Đến 4/1/2010 (âm lịch), bà Vịnh có tới nhà và thông báo cho ông Giang, bà Tuyến phải thanh toán trả bà phần tiền gốc đã vay. Lần đầu tiên, bên vay nợ có khất, bà Vịnh cho chậm lại khoảng 1 tuần rồi thanh toán. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà đã đến nhà đòi rất nhiều lần, đồng thời tạo điều kiện bằng các biện pháp: giãn thời gian trả nợ lên 1 tháng và cho phép trả nợ bà phần gốc dần dần với mỗi lần thanh toán là 100.000.000 VNĐ (một trăm triệu).
Đến nay bên vay nợ (vợ chồng Giang Tuyến) dù đã khất nợ nhiều lần nhưng vẫn chưa thanh toán phần nghĩa vụ trả nợ số tiền đã nợ của bà Vịnh.
5. 3. Sau đây là bản luận cứ đề xuất để Luật sư bào chữa tại phiên Tòa.
LUẬN CỨ
“Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đỗ Thị Vịnh trong vụ án Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”
Kính thưa:
– Hội đồng xét xử!
– Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân!
– Thưa toàn thể các quý vị!
Tôi là Luật sư Mai Bích Ngân, ……… – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Tôi có mặt tham gia phiên toà xét xử công khai ngày hôm nay theo yêu cầu của chị Đỗ Thị Vịnh – Là nguyên đơn trong vụ án dân sự về việc “ Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Được sự chấp thuận của Toà án nhân dân huyện Khoái Châu cấp “ Giấy chứng nhận bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự” số 01/2012/TA-GCN ngày 27/7/2012; để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Đỗ Thị Vịnh sinh năm 1971, hiện trú tại xóm 23, xã Đông kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Sau khi nghiên cứu kĩ các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, làm việc trao đổi nội dung với chị Đỗ Thị Vịnh về quá trình cho vợ chồng chị Đỗ Thị Tuyến và anh Nguyễn Đức Giang có địa chỉ tại xóm 23, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên vay nợ tiền; và đặc biệt là qua phần xét hỏi công khai tại toà hôm nay (lời khai, việc đối chất của các đương sự, nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng). Tôi thấy: Vụ việc đơn giản, tính chất không đến mức quá phức tạp; nhưng do những lý do thiếu thuyết phục từ phía bị đơn đã cố tình không thanh toán cho nguyên đơn số tiền đã vay nợ; vì vậy Toà án nhân dân huyện Khoái Châu đã thụ lý vụ án và đưa xét xử công khai ngày hôm nay.
Quan điểm của luật sư cho rằng:
Thứ nhất: Việc đòi nợ của Nguyên đơn là đúng theo quy định pháp luật.
Tại hồ sơ vụ án dân sự đã thể hiện rõ nội dung về việc vay nợ. Quan hệ pháp luật trong vụ án là tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản không có kì hạn, có lãi suất (Điều 477. Bộ luật Dân sự năm 2005). Hai bên (bên cho vay và bên vay) đã tự nguyện thoả thuận và cam kết với nhau về số tiền vay nợ (tại bút lục số 4b). Hồ sơ đã thể hiện rõ: Tên người vay, số tiền vay, thời gian vay và được lưu lại bằng bút tích của bên vay nợ. Bên cho vay đã thực hiện nghĩa vụ của mình đó là đã giao cho bên được vay số tiền các lần vay theo yêu cầu cụ thể:
– Ngày 28/10/2009: 100 triệu đồng;
– Ngày 8/11/2009 (âm lịch): 30 triệu đồng;
– Ngày 28/8/2009 (âm lịch): 100 triệu đồng;
– Ngày 13/2/2010: 30 triệu đồng.
1. Phần lãi 100 triệu đồng x 1.5%/tháng x 29 tháng + 9 ngày lãi trong tháng, tổng cộng là: 43.950.000 VNĐ (Bốn mươi ba triệu chín trăm năm mươi ngàn đồng chẵn).
2. Phần lãi 160 triệu đồng x 3.0%/tháng x 29 tháng + 9 ngày lãi trong tháng tổng cộng là: 140.640.000, VNĐ (Một trăm bốn mươi triệu sáu trăm bốn mươi ngàn đồng chẵn).
Tổng cộng: 184.590.000 VNĐ (Một trăm tám mươi tư triệu năm trăm chín mươi nghìn đồng).
Như vậy: Đề nghị toà án tuyên vợ chồng Tuyến, Giang phải có nghĩa vụ thanh toán trả cho chị Đỗ Thị Vịnh cả gốc lẫn lãi đến hôm nay là:
(Gốc) 260.000.000 + (lãi 2 khoản) 184.590.000 = 444.590.000.
( Bốn trăm bốn mươi bốn triệu năm trăm chín mươi ngàn đồng chẵn).
Kính thưa Hội đồng xét xử, thưa toàn thể quý vị!
Cho phép luật sư có đôi lời chia sẻ!
1. Qua vụ việc xảy ra chúng tôi thấy: Với bản chất tình thương gia đình, họ hàng dòng tộc, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau để tạo điều kiện cho nhau làm ăn cùng phát triển hoà nhập với cuộc sống đang khởi sắc của quê hương Khoái châu ta. Vì vậy, nguyên đơn và bị đơn đều là quan hệ thân thiết, họ hàng rất gần với nhau đã cố gắng nỗ lực hết mình cho nhau vay nợ. Đáng lẽ ra không cần phải đưa ra toà những vụ việc hết sức đơn giản như thế này nếu bên vay có ý thức cao về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để thanh toán cho bên vay thêm vào đó là cách ứng xử hài hoà, chuẩn mực của mỗi cá nhân.
2. Vụ án rồi sẽ khép lại, mọi hành vi vi phạm đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Dư luận sẽ dần lắng xuống theo thời gian, đồng thời đây cũng sẽ mãi là những bài học sâu sắc về kỉ cương phép nước; về đạo lý con người; về tình làng nghĩa xóm; ứng xử giữa con người với con người trong cuộc sống thường nhật.
Trên đây là toàn bộ quan điểm của luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Đỗ Thị Vịnh.
Kính đề nghị Hội đồng xét xử nghiên cứu, xem xét và ra bản án công minh, thấu tình, đạt lý bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn./.
NGƯỜI TRÌNH BÀY
LUẬT SƯ
IV- KẾT QUẢ VỤ VIỆC TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả thẩm vấn tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định: Quan hệ pháp luật trong vụ án là tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản không có kì hạn, có lãi suất. Việc khởi kiện của chị Đỗ Thị Vịnh là còn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định pháp luật.
Với lời khai nhận của các đương sự trong vụ án và với các chứng cứ tài liệu là giấy biên nhận nợ (có tên và chữ kí nhận của những người vay tiền) mà phía nguyên đơn chị Đỗ Thị Vịnh cung cấp và cùng sự xác nhận của phía đồng bị đơn vợ chồng anh Nguyễn Đức Giang và chị Đồng Thị Tuyến. Đã đủ cơ sở để kết luận: Việc chị Đỗ Thị Vịnh có cho vợ chồng anh Nguyễn Đức Giang và chị Đình thị Tuyến vay số tiền 260.000.000 đồng tiền gốc và có quy định lãi xuất là có thật. Thời hạn vay tiền không được 2 bên ấn định cụ thể thời gian nào, nên việc cho vay tiền giữa chị Vịnh và vợ chồng anh Nguyễn Đức Giang và chị Đình Thị Tuyến là dựa trên hợp đồng dân sự vay tài sản không có kì hạn và có quy định lãi xuất. Nhưng do phía người vay tài sản. Nhưng do phía người vay tài sản là vợ chồng anh Nguyễn Đức Giang và chị Đình Thị Tuyến không thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và tiền lãi khi người cho vay đòi nợ. Nên việc chị Vịnh khởi kiện đòi số tiền nợ gốc là 260.000.000 đồng và tiền lãi đối với vợ chồng anh Nguyễn Đức Giang và chị Đình Thị Tuyến là hoàn toàn chính đáng, có căn cứ. Số tiền 260.000.000 đồng là tiền chung của vợ chồng anh Đỗ Khắc Hựu và chị Đỗ Thị Vịnh nên vợ chồng anh Nguyễn Đức Giang và chị Đình Thị Tuyến phải có trách nhiệm thanh toán trả nợ cho vợ chồng anh Đỗ Khắc Hựu và chị Đỗ Thị Vịnh. Nhưng anh Hựu đề nghị tuyên trả cho một mình chị Vịnh là sự tự nguyện của anh Hựu và phù hợp với pháp luật nên được chấp nhận. Việc vợ chồng anh Giang và chị Tuyến đưa ra lý do chưa trả tiền gốc và lãi là do tiền đó cho người khác vay lại chưa thu hồi được và do điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn là những lý do không chính đáng. Mặt khác không được phía anh Hựu, chị Vịnh đồng ý. Nên cần buộc vợ chồng anh Giang, chị Tuyến phải có trách nhiệm trả nợ ngay cho chị Vịnh số tiền gốc 260.000.000 đồng và số tiền lãi phù hợp với quy định pháp luật. Thời gian tính lãi suất từ ngày 30/2/2010 (ngày trả lãi cuối cùng và cũng là ngày anh Hựu và chị Vịnh yêu cầu đề nghị) đến ngày 09/8/2012 ( thời điểm mở phiên toà xét xử sơ thẩm). Đối với mức lãi 1,5% của số tiền gốc 100.000.000 đồng là phù hợp với mức pháp luật quy định nên được chấp nhận, còn riêng với mức lãi suất tính theo mức 3% của số tiền gốc 160.000.000 đồng còn lại là qúa cao không phù hợp với mức pháp luật quy định và phía anh Giang, chị Tuyến không chấp nhận trả. Nên theo quy định thì anh Giang, chị Tuyến sẽ chỉ phải chịu lãi suất tính theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm xét xử là: 9% năm đối với số tiền nợ gốc 160.000.000 đồng.
Cụ thể số tiền lãi mà vợ chồng anh Giang chị Tuyến phải chịu như sau:
– Số tiền 100.000.000 đồng X 29 tháng 09 ngày ( từ ngày 30/2/2010 đến ngày 09/8/2012)X 1,5% tháng theo thoả thuận = 43.950.000 đồng.
– Số tiền 160.000.000 đồng X 29 tháng 09 ngày (từ 30/2/2010 đến 09/8/2012)X 9%/12 tháng (lãi suất cơ bản) = 35.160.000 đồng.
Việc anh Hựu chị Vịnh chỉ yêu cầu tính lãi trần mà không yêu cầu tính lãi suất quá hạn là có lợi cho phía anh Giang chị Tuyến và phù hợp với pháp luật nên cần chấp nhận sự tự nguyện này của anh Hựu, chị Vịnh.
Như vậy cần buộc vợ chồng anh Giang chị Tuyến phải trả nợ cho chị Vịnh số tiền nợ gốc: 260.000.000 đồng và tổng tiền lãi suất: 79.110.000 đồng. Tổng cộng: 339.110.000 đồng ( Ba trăm ba mươi chín triệu một trăm mười ngàn đồng).
Kể từ khi án có hiệu lực pháp luật và chị Vịnh có đơn yêu cầu nếu chậm nộp khoản trả tiền trên thì hàng tháng vợ chồng anh Giang chị Tuyến còn phải chịu mức tính lãi suất đối với khoản tiền chậm trả theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
Về án phí trong vụ án: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chỉ được chấp nhận một phần nên chị Đỗ Thị Vịnh phải chịu án phí dân sự sơ thẩm dựa trên giá ngạch của số tiền không được chấp nhận. Cụ thể: 105.480.000 đồng X 5%= 5.274.000 đồng. Đối trừ vào số tiền 5000.000đồng (năm triệu đồng) tạm ứng án phí mà chị Vinh đã nộp, nên chị Vịnh còng phải nộp 274.000 đồng nữa. Cần buộc vợ chồng anh Tuyến chị Giang phải chịu án phí dân sự sơ thẩm dựa trên giá ngạch của phần trách nhiệm dân sự phải trả theo đúng quy định của pháp luật là: 339.110.000 X 5% = 16.955.500 đồng.
Về quyền kháng cáo : Các đương sự được quyền kháng cáo bản án theo luật định. Vì các lẽ trên Quyết định: Áp dụng điều 305;474;476;477 của Bộ luật dân sự; Điều 128, 131 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Pháp lệnh số 10/2009/PL – UBTVQH 12 ngày 27/2/2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội về án lệ phí Toà án.
Xử:
– Buộc vợ chồng anh Nguyễn Đức Giang và chị Đình Thị Tuyến phải có trách nhiệm trả nợ cho chị Đỗ Thị Vịnh số tiền (gồm: nợ gốc: 260.000.000 đồng và tiền lãi suất 79.110.000 đồng (Ba trăm ba mươi chín triệu một trăm mười ngàn đồng).
Kể từ khi án có hiệu lực pháp luật và chị Vịnh có đơn yêu cầu thi hành án, nếu chậm nộp trả khoản tiền trên thì hàng tháng vợ chồng anh Giang chị Tuyến còn phải chịu tính lãi suất đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm thanh toán.
– Án phí: + Vợ chồng anh Nguyễn Đức Giang và chị Đình Thị Tuyến phải chịu 16.955.500 đồng ( Mười sáu triệu chín trăm năm mươi năm ngàn năm trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
+ Chị Đỗ Thị Vịnh phải chịu 5.274.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Đối trừ vào số tiền 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) tạm ứng án phí mà chị Vịnh đã nộp theo biên lai số: 009352 ngày 16/5/2012 tại cơ quan Chi cục thi hành án dân sự huyện Khoái Châu nên chị Vịnh còn phải nộp tiếp 274.000 đồng (hai trăm bẩy tư ngàn đồng) nữa.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 – Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 luật thi hành án dân sự.
V- BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
Qua quá trình làm việc với các luật sư Công ty luật số 5 Quốc gia và đặc biệt là luật sư hướng dẫn của tôi – luật sư Mai Bích Ngân tôi đã rút ra được nhiều bài học quý báu cũng như đúc kết được nhiều kinh nghiệm cho bản thân và gia đình:
1. Bài học về các kĩ năng làm việc: Tiếp xúc khách hàng; cách nghiên cứu hồ sơ; hướng tư duy đi đúng vấn đề; kĩ năng nghiên cứu quy định của pháp luật; áp dụng vào từng trường hợp cụ thể; dự liệu tình huống phát sinh trong quá trình tư vấn; chuẩn bị sẵn sàng cho những phát sinh từ vụ việc tư vấn.
2. Bài học về trau dồi chuyên môn: Phải luôn luôn trao dồi kiến thức chuyên môn, không chỉ hàng tháng mà hàng ngày, hàng giờ bởi hệ thống luật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay khá đồ sộ và thường xuyên thay đổi, việc nắm chắc luật sẽ giúp luật sư giải quyết vụ việc một cách nhanh gọn và chính xác.
3. Bài học về lòng nhiệt tình. Tôi thấy ở luật sư hướng dẫn lòng nhiệt tình cao độ, cảm thông chia sẻ với hoàn cảnh cũng như mất mát mà thân chủ và gia đình thân chủ từ đó bằng những kĩ năng, kiến thức của mình cố tìm mọi cách để giành quyền và lợi ích hợp pháp cao nhất cho thân chủ của mình theo quy định pháp luật.
4. Bài học về sự cẩn thận, tỉ mỉ. Đối với mỗi hồ sơ, khả năng nắm bắt nhanh thôi chưa đủ mà còn cần có sự cẩn thận, tỉ mỉ. Luật sư cần xem xét hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ một cách dễ dàng để hiểu nội dung cũng như bản chất vụ việc một cách thấu đáo, tránh trường hợp có thể bỏ sót, bỏ lọt những chi tiết quan trọng của hồ sơ vụ án cũng như chủ quan phiến diện gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mình.
5. Bài học về kinh nghiệm xử lý công việc: Muốn tư vấn tốt cần nắm chắc nội dung. Ta phải khoanh vùng được tinh thần của luật điều chỉnh mà ta đang tư vấn. Là một luật sư cần phải có một tâm lý ổn định, sự tự tin và chắc chắn, ngay từ khâu gặp gỡ tạo niềm tin của khách hàng. Phải để khách hàng cảm nhận giữa ta và khách hàng là một. Có như thế họ mới trình bày đúng vấn đề và cung cấp tất cả các tài liệu của vụ việc và những tài liệu có lợi và bất lợi với họ. Vấn đề của chúng ta là biết chắt lọc thông tin và tìm ra những cái có lợi nhất cho thân chủ. Có những vụ việc khách hàng chỉ trình bày những cái có lợi cho họ và đôi khi là nói không chính xác vấn đề vì họ sợ và như vậy chúng ta không cẩn thận sẽ đi lệch hướng và dẫn đến thất bại trong việc đàm phán, thương lượng, hoà giải hoặc khi tham gia tranh tụng vì thiếu cơ sở khách quan và không nắm rõ bản chất vấn đề. Đây là kinh nghiệm của tôi có được qua nhiều lần cùng luật sư chính thức tư vấn cho khách hàng.
VI- ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ.
Qua thực tế vụ việc trên, bản thân tôi là người tập sự để trở thành nghề Luật sư thấy một số điều bất cập cụ thể như sau:
1- Tại Luật Luật sư đã không cho người tập sự hành nghề Luật sư tư vấn, tham gia tố tụng tại các phiên Tòa với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi quyền lợi hợp pháp cho thân chủ. Mà chỉ tham gia với tư cách là người đại diện theo uỷ quyền ở một số lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
Các quy định trên đã hạn chế một số kỹ năng của người tập sự hành nghề Luật sư như, kỹ năng tiếp xúc với bị can, bị cáo đang bị tạm giam, tạm giữ… ảnh hưởng đến việc kinh nghiệm thực tế, nên nhiều Luật sư khi ra nghề còn có những bỡ ngỡ trong khi giải quyết công việc.
3- Đề nghị sửa đổi lại các Bộ luật có liên quan để người tập sự hành nghề Luật sư được tham gia như Pháp lệnh Luật sư trước đây. Như vậy kinh nghiệm thực tế sẽ giúp chúng tôi khi ra hành nghề Luật sư được vững vàng và tự tin hơn./.
VII- LỜI KẾT.
Trên đây là toàn bộ nội dung trình tự tiến hành một vụ án dân sự mà tôi là người tập sự hành nghề Luật sư tại Công ty luật số 5 Quốc gia được sự luật sư Mai Bích Ngân hướng dẫn.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của Luật sư Mai Bích Ngân và các bạn đồng nghiệp tại Công ty luật số 5 Quốc gia đã đóng góp, hỗ trợ tôi hoàn thành chương trình tập sự tại đây đạt hiệu quả.
Với nguyện vọng và sự đam mê yêu nghề, tôi luôn luôn nỗ lực hết mình để phấn đấu trở thành một Luật sư chính thức. Trong bài viết này còn rất nhiều hạn chế, rất mong các thầy giáo, cô giáo trong Hội đồng Ban giám khảo chỉ bảo, tham gia đóng góp cho tôi, đồng thời truyền đạt cho tôi những kinh nghiệm quý báu của nghề Luật sư. Với tinh thần cầu thị cao, xin trân trọng cảm ơn sự tham gia đóng góp của các thầy cô trong Ban giám khảo.
Tôi xin trân trọng cảm ơn./.
NGƯỜI LẬP HỒ SƠ