BLHS 2015 đã có một bước tiến trong kỹ thuật lập pháp đối với việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong đời sống kinh tế hiện đại, việc đấu tranh, phòng ngừa các tội phạm về sở hữu trí tuệ luôn được quan tâm không chỉ đối với trong nước, mà còn được quan tâm bởi các đối tác nước ngoài, các thành viên của các hiệp định thương mại thế hệ mới mà VN ký kết và tham gia. Bởi vì, quyền sở hữu trí tuệ luôn tạo ra giá trị thặng dư lớn. Việc các quyền sở hữu trí tuệ này được tôn trọng và bảo vệ góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. BLHS năm 2015 đã có một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp đối với việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Sau đây là các điểm mới của BLHS 2015 so với BLHS 1999 đối với các tội danh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ảnh minh họa: Internet
Về tội danh, BLHS năm 2015 đã bãi bỏ “Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp” (Điều 170 LHS 1999). Các tội còn lại gồm: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Đối với Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
– Điều kiện áp dụng theo Điều 170a BLHS năm 1999 quy định chỉ căn cứ vào quy mô thương mại thì Điều 225 BLHS 2015 đã mở rộng điều kiện áp dụng là một trong các điều kiện sau: Quy mô thương mại; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng; gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 tr đến dưới 500 triệu; hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
– Chủ thể thực hiện tội phạm theo Điều 170a BLHS năm 1999 chỉ là cá nhân; Điều 225 BLHS 2015 quy định chủ thể thực hiện là cá nhân và pháp nhân. Pháp nhân vi phạm có thể bị phạt đến 3 tỷ; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực hoặc cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm.
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
– Điều kiện áp dụng Điều 171 BLHS 1999 là quy mô thương mại; Điều 226 BLHS năm 2015 quy định điều kiện áp dụng bao gồm một trong các điều kiện: Quy mô thương mại; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng; gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 tr đến dưới 500 triệu; hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
– Chủ thể thực hiện tội phạm theo Điều 171 BLHS năm 1999 chỉ là cá nhân; Điều 226 BLHS 2015 quy định chủ thể gồm cá nhân và pháp nhân. Pháp nhân vi phạm có thể bị phạt đến 5 tỷ; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực hoặc cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm.
Có thể nhận thấy, điều kiện áp dụng để xử lý đối với các hành vi thực hiện hai tội danh nêu trên đã mở rộng rất nhiều. Trước đây, điều kiện áp dụng phải là “quy mô thương mại”. Tuy nhiên, không có văn bản nào hướng dẫn để định lượng, định nghĩa thế nào là quy mô thương mại. Trong các hiệp định song phương và đa phương về sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư mà VN ký kết và tham gia cũng không có quy định cụ thể định lượng “quy mô thương mại”. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong việc xử lý hình sự các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
BLHS năm 2015 đã gia tăng các điều kiện áp dụng, ngoài điều kiện về quy mô thương mại còn có các điều kiện khác như “thu lợi bất chính”, “gây thiệt hại cho chủ thể quyền”, “giá trị hàng hóa vi phạm”. Các điều kiện này đều được định lượng cụ thể. Vì vậy, sẽ dễ dàng hơn trong việc áp dụng xử lý các hành vi vi phạm hình sự đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc này sẽ góp phần thực hiện tốt các cam kết mà VN đã cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP (trước đây là TPP). Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVNFTA)… các hiệp định có yêu cầu rất cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và trừng trị các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, với việc pháp nhân thực hiện các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị áp dụng các chế tài nghiêm khắc và đa dạng cũng góp phần làm nâng cao nhận thức về các tội này, dễ xử lý hơn, từ đó, các quyền của các chủ thể quyền được tôn trọng và thực thi. Ví dụ, trước đây các doanh nghiệp bán máy tính thường “khuyến mại” thêm các phần mềm vi phạm bản quyền (phần mềm sao chép lậu, bẻ khóa…). Nay, hành vi đó của doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự dựa vào giá trị hàng hóa vi phạm.
Ls. Lê Ngọc Sơn