Yêu cầu về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự với mục đích là đảm bảo mỗi hành vi khi đưa ra xét xử đều phải trải qua các quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và cũng đảm bảo tối đa quyền bào chữa cho các bị cáo. Tuy nhiên, nếu vụ án có phát sinh thủ tục phúc thẩm thì giới hạn xét xử sơ thẩm chính là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm.
1.Giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS 2015
Điều 298 BLTTHS 2015 quy định: “1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”
Khoản 1 Điều 298 đã quy định giới hạn xét xử sơ thẩm của Tòa án về đối tượng và về hành vi được đưa ra xét xử. Chỉ những bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố bằng bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố mới bị Tòa án đưa ra xét xử. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án hoặc tại phiên tòa, nếu Tòa án nhận thấy có dấu hiệu bỏ bỏ lọt tội phạm thì Tòa án cũng không được đưa người đó ra xét xử mà chỉ có thể trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung với căn cứ quy định tại điểm c Điều 280 BLTTHS “Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can”.
Đối với hành vi được đưa ra xét xử và xét xử tại phiên tòa thì cũng phải đảm bảo giới hạn theo truy tố của VKS để phù hợp với nguyên tắc một hành được đưa ra xét xử khi hành hành vi đó đã được khởi tố, điều tra, truy tố theo đúng thẩm quyền. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 20/2018/HS-GĐT ngày 15/10/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Cướp tài sản” đối với bị cáo Lê Xuân Q, sinh năm 1993, là nguồn của Án lệ số số 29/2019/AL về tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Cướp tài sản” được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua, có nhận định như sau: “Sau khi xét xử sơ thẩm, Lê Xuân Q kháng cáo cho rằng không phạm tội “Cướp tài sản”. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định Q và Trần Xuân L không phạm tội “Cướp tài sản” đối với số tiền 200.000 đồng, nhưng không tuyên bố Q không phạm tội “Cướp tài sản” và đình chỉ xét xử đối với Q, mà lại kết án Q về tội “Không tố giác tội phạm” đối với hành vi cướp hai máy tính bảng của Trần Xuân L. Như vậy, Toà án cấp phúc thấm kết án Q về một hành vi chưa được điều tra, truy tố là vi phạm quy định tại Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về giới hạn của việc xét xử.” Như vậy, một hành vi chưa điều tra, truy tố thì cũng không thể bị Tòa án kết án mặc dù các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án cũng như kết quả thẩm vấn tại phiên tòa cho thấy hành vi đó đã thỏa mãn với tội danh đó.
Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 298 là quy định mới, được xem là điểm sáng của BLTTHS 2015 khi đã trao thẩm quyền cho Tòa án có thể chủ động hơn trong việc xét xử khi xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Khi quy định này mới được thông qua cũng có quan điểm cho rằng quy định này vi phạm nguyên tắc về đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo cũng như nguyên tắc về một hành vi chỉ được xét xử khi đã được khởi tố, điều tra và truy tố.
Theo tác giả, quy định này là hoàn toàn phù hợp, trao quyền chủ động và cũng gắn với trách nhiêm thực hiện quyền “tư pháp” của Tòa án bởi lẽ, như khoản 1 đã nêu “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.” Tức là những hành vi này và những bị cáo này đã được khởi tố, điều tra, truy tố. Vấn đề ở đây là quan điểm định tội danh đối với những hành vi này mà những bị cáo đã thực hiện. Cũng là hành vi đó với những những bị cáo đó nhưng cách nhìn nhận và đánh giá chứng cứ khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và quyền quyết định cuối cùng thuộc về Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Hoàn toàn không vi phạm vấn đề giới hạn xét xử theo đối tượng và theo hành vi.
Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm được phép xét xử bị cáo nặng hơn về tội danh mà VKS đã truy tố có thể dẫn đến vượt quá thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm. Đó là trường hợp Tòa án nhân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu đang là Tòa án xét xử sơ thẩm đối với bị cáo bị cáo bị VKS truy tố về tội ít nghiêm trọng; nghiêm trọng; rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo thuộc vào khoản nặng hơn hoặc tội nặng hơn mà VKS đã truy tố và tội nặng đó lại thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện và Tòa án quân sự cấp khu vực theo quy định tại Điều 268 BLTTHS 2015. Hơn nữa việc xét xử loại tội đặc biệt nghiêm trọng cũng dẫn đến sự thay đổi rất nhiều về thủ tục tố tụng như sự thay đổi về thành phần Hội đồng xét xử (Điều 254 BLTTHS 2015) và việc chỉ định người bào chữa. Trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm phải chuyển vụ án theo quy định tại Điều 274 BLTTHS 2015.
Điều 298 quy định về giới hạn xét xử chưa quy định cách giải quyết cụ thể đối với vấn đề này. Theo tác giả, nên bổ sung khoản 3 Điều 298 theo hướng như sau: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó; trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy tội danh cần xét xử vượt quá thẩm quyền xét xử thì chuyển vụ án”
2.Sự ảnh hưởng của giới hạn xét xử sơ thẩm đến thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm
Trên cơ sở giới hạn xét xử sơ thẩm, thì việc thực hiện thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm (HĐXXPT) cũng bị ảnh hưởng bởi vì bản chất của xét xử phúc thẩm là xét xử lại vụ án trên cơ sở kháng cáo, kháng nghị. Hiện nay, không có điều luật nào quy định về sự phụ thuộc của giới hạn xét xử phúc thẩm theo giới hạn xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 330 thì: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị”. Theo đó, đối tượng của xét xử phúc thẩm chính là vụ án đã được xét xử sơ thẩm mà bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật lại phát sinh kháng cáo, kháng nghị. Như vụ án đã phân tích ở trên, đã trải qua các giai đoạn từ khởi tố đến xét xử sơ thẩm như vậy vô hình trung đã bị giới hạn bởi các quy định của giới hạn xét xử sơ thẩm.
Trên cơ sở giới hạn xét xử theo chủ thể, Toà án cấp phúc thẩm chỉ được xét xử đối với những bị cáo mà VKS truy tố và Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định đưa ra xét xử. Trên cơ sở giới hạn xét xử theo sự việc, Toà án cấp phúc thẩm chỉ được xét xử đối với những hành vi mà viện kiểm sát truy tố và Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định đưa ra xét xử. Nếu Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào tình tiết mới, sửa bản án sơ thẩm đối với chủ thể và hành vi mà viện kiểm sát không truy tố và Toà án cấp sơ thẩm chưa đưa ra xét xử thì không bảo đảm nguyên tắc hai cấp xét xử. Cấp xét xử bị tước bỏ chính là cấp sơ thẩm vì bản án phúc thẩm là chung thẩm; bị cáo, bị hại và đương sự không có quyền kháng cáo bản án phúc thẩm. Việc Toà án cấp phúc thẩm áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn chỉ được coi là phù hợp giới hạn xét xử sơ thẩm nếu tội danh nặng hơn đó đã được viện kiểm sát viện dẫn để truy tố mà toà án cấp sơ thẩm không áp dụng để xét xử.
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành không quy định trực tiếp, cụ thể phạm vi thẩm quyền của toà án cấp phúc thẩm trong giới hạn xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, căn cứ vào nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm và tính chất của xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 27 và Điều 330 BLTTHS năm 2015, Toà án cấp phúc thẩm “xét xử lại vụ án” chứ không xét xử vụ án lần thứ hai, vì vậy không được chấp nhận tình tiết mới ngoài giới hạn xét xử sơ thẩm để sửa bản án sơ thẩm. Ví dụ: Viện kiểm sát chỉ truy tố bị can về hành vi 1 lần mua bán trái phép chất ma tuý; Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo theo khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015; nếu có tình tiết mới cho thấy bị cáo thực hiện hành vi nhiều lần mua bán trái phép chất ma tuý thì Toà án cấp phúc thẩm cũng không được sửa bản án sơ thẩm, áp dụng tình tiết định khung tăng nặng phạm tội 2 lần trở lên đối với bị cáo theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015. Trường hợp này, Toà án cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 358 BLTTHS (có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm).
Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định cụ thể vấn đề giới hạn xét xử về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Không giống như các cơ quan tiến hành tố tụng khác, thẩm quyền của Tòa án chỉ phát sinh trên cơ sở “đơn hàng” của các chủ thể khác. Đối với vụ án hình sự là “cáo trạng” của VKS còn đối với quan hệ dân sự là “đơn khởi kiện” của nguyên đơn. Chỉ khi có các sự kiện pháp lý đó thì Tòa án mới có cơ sở thực hiện các quyền của mình theo quy định. Đối với việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề hình sự sẽ được giới hạn bởi những đối tượng và hành vi mà Viện kiểm sát truy tố. Tuy nhiên, vấn đề dân sự cũng sẽ được Tòa án giải quyết trong vụ án hình sự trên cơ sở yêu cầu của các đương sự và chịu án phí theo quy định. Trong trường hợp vấn đề dân sự được giải quyết cùng với việc giải quyết vụ án hình sự theo quy định tại Điều 30 BLTTHS thì vấn đề đặt ra giới hạn trong phạm vi yêu cầu của các đương sự để giải quyết vấn đề dân sự là cần thiết. Nếu như Tòa án xét xử vượt quá yêu cầu này là vi phạm nguyên tắc tự định đoạt của đương sự.
Mặt khác, cơ sở phát sinh thẩm quyền của HĐXXPT đối với bản án hình sự sơ thẩm là kháng cáo, kháng nghị hợp pháp đối với bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, thẩm quyền còn được mở rộng ra những phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, thậm chí mở rộng xem xét toàn bộ nội dung nếu Hội đồng xét xử thấy đó là cần thiết và không vi phạm nguyên tắc “không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo”. Ngoại lệ được ghi nhận trong trường hợp HĐXXPT được xem xét lại những quyết định của cấp sơ thẩm là quy định tại khoản 3 Điều 357 BLTTHS: “Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.” Tức là HĐXXPT chỉ được xem xét những vấn đề ngoài phạm vi kháng cáo, kháng nghị khi vấn đề đó có lợi cho bị cáo (khoản 1 Điều 357). Như vậy, có thể thấy thẩm quyền của HĐXXPT bị giới hạn bởi phạm vi của kháng cáo, kháng nghị.
Giả sử trường hợp, bị cáo Nguyễn Văn A bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội trộm cắp tài sản của nhà anh Trần C vào ngày 2/3/2019. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, bị hại kháng cáo đề nghị áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” vì trước đó A đã có hai lần trộm cắp tài sản của C. Trường hợp này mặc dù có căn cứ để sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt đối với C vì có kháng cáo theo hướng tăng nặng. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, những lần phạm tội trước đó chưa được điều tra, truy tố nên nếu HĐXXPT chấp nhận kháng cáo sẽ vượt quá giới hạn xét xử sơ thẩm.Trường hợp này, nếu có căn cứ thì chỉ có thể kiến nghị với chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy, dù kháng cáo, kháng nghị hợp lệ, không vi phạm quy định của pháp luật nhưng nếu vượt quá thẩm quyền xét xử sơ thẩm thì cũng không được chấp nhận.
Từ những phân tích, tác giả kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật về giới hạn xét xử phúc thẩm như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về giới hạn xét xử ván đề dân sự trong vụ án hình sự theo hướng như sau: “Trong vụ án hình sự Tòa án chỉ xem xét, vấn đề dân sự chỉ được Tòa án xem xét, giải quyết đối với sự việc và chủ thể theo được các bên yêu cầu”
Thứ hai, bổ sung quy định về tính hợp lệ của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là “nội dung của kháng cáo, kháng nghị phải phù hợp với giới hạn xét xử sơ thẩm theo quy định tại Điều 298 BLTTHS”.