“Tôi muốn hỏi rằng khiếu nại đất đai là gì? Điều kiện thực hiện quyền khiếu nại đất đai? Thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai chi tiết nhất? Cảm ơn rất nhiều” – Đây là câu hỏi của bạn Đạt đến từ Nghệ An.
Khiếu nại đất đai là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 quy định về khái niệm khiếu nại đất đai cụ thể như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
– Người khiếu nại gồm: Người sử dụng đất; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất; người được ủy quyền:
Người sử dụng đất gồm:
+ Hộ gia đình, cá nhân trong nước;
+ Tổ chức sử dụng đất như: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự;…
+ Cộng đồng dân cư;
+ Cơ sở tôn giáo;
+ Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại;
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất như:
+ Người nhận tặng cho quyền sử dụng đất;
+ Người nhận chuyển nhượng (người mua đất) quyền sử dụng đất…
Người có nhu cầu muốn khiếu nại về đất đai có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khiếu nại cụ thể như sau:
+ Tự mình khiếu nại: Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền tự mình viết đơn và thực hiện khiếu nại theo thủ tục quy định.
+ Người đại diện theo pháp luật của người sử dụng đất thực hiện việc khiếu nại. Đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật thực hiện khiếu nại chỉ áp dụng khi người sử dụng đất là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự.
+ Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.
+ Uỷ quyền cho luật sư thực hiện khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
– Đối tượng khiếu nại:
Đối với quy định về đối tượng khiếu nại thì tại khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể như sau:
+ Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
+ Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
+ Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.
+ Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai…
Điều kiện thực hiện quyền khiếu nại đất đai?
Điều kiện thực hiện quyền khiếu nại theo thủ tục khiếu nại lần đầu
Để thực hiện quyền khiếu nại đất đai phải có đủ điều kiện sau:
– Người khiếu nại tự mình thực hiện thì phải là người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại;
– Có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình.
– Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có người đại diện hợp pháp thực hiện khiếu nại trong trường hợp khiếu nại thông qua người đại diện;
– Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.
– Còn thời hiệu, thời hạn khiếu nại hoặc đã hết thời hiệu, thời hạn mà có lý do chính đáng.
– Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Điều kiện thực hiện khiếu nại theo thủ tục khiếu nại lần hai
Ngoài các điều kiện theo thủ tục khiếu nại lần đầu thì khi thực hiện quyền khiếu nại theo thủ tục khiếu nại lần 2 thì phải có quyết định giải quyết khiếu nại đất đai lần đầu.
Thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai được thực hiện thế nào?
Khoản 2 Điều 204 Luật Đất đai 2013 quy định rằng:
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Theo đó, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Khiếu nại 2011 và các văn bản hướng dẫn khác.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!