1. Phần thủ tục bắt đầu xét xử
– Hội đồng xét xử vào phòng xử án.
– Thư ký yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy.
– Chủ toạ phiên toà mời mọi người ngồi xuống.
– Chủ toạ phiên toà đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. (nếu vụ án chỉ có 1 bị cáo thì có thể đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử rồi mới mời mọi người trong pòng xử án ngồi)
Nếu vụ án có các phóng viên báo, đài đến dự và đưa tin phiên toà thì chủ toạ phiên toà phải yêu cầu phóng viên hoạt động theo Luật báo chí, Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho các phóng viên tác nghiệp, nhưng phải tuân thủ nội quy phòng xử án.
– Chủ toạ phiên toà yêu cầu Thư ký báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt; vắng mặt và lý do của sự vắng mặt.
– Chủ toạ phiên toà kiểm tra căn cước lý lịch của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.
– Giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo và những người tham gia tố tụng
+ Đối với bị cáo:
Theo điều 50 và điều 188 Bộ luật tố tụng hình sự thì bị cáo có quyền và nghĩa vụ sau:
Về quyền:
– Được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; (quyền này đã được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử ); nếu bị két án thì được nhận bản án;
– Được tham gia phiên toà;
– Có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
– Được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
– Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. (các bị cáo đều nhờ người bào chữa). Tuy nhiên, sau khi người bào chữa trình bày lời bào chữa, bị cáo có quyền bổ sung hoặc từ chối nội dung mà người bào chữa đã bào chữa cho mình)
– Được trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà;
– Được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án;
– Kháng cáo bản án sơ thẩm theo quy định của pháp luật;
– Được khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
Về nghĩa vụ:
– Phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.
– Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên toà chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của chủ toạ phiên toà.
– Bị cáo không bị tạm giam phải có mặt tại phiên toà trong suốt thời gian xét xử vụ án, nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị bắt tạm giam để bảo đảm việc xét xử.
+ Đối với những người tham gia tố tụng khác
Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử và danh sách triệu tập người tham gia tố tụng đến phiên toà, chủ toạ phiên toà lần lượt giải thích quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Riêng đối với người làm chứng thì phải yêu cầu người làm chứng cam đoan trước Toà về lời khai của mình.
– Giới thiệu thành phần Hội đồng xét xử (Nếu có Thẩm phán và Hội thẩm dự khuyết thì giới thiệu và quy định chỗ ngồi của họ);
– Giới thiệu Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà;
– Giới thiệu Kiểm sát viên tham gia phiên toà (Nếu có Kiểm sát viên dự khuyết thì giới thiệu và quy định chỗ ngồi của họ);
– Hỏi các bị cáo có đề nghị thay đổi ai trong thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký, Kiểm sát viên không ?
– Hỏi người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có đề nghị thay đổi ai trong thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký, Kiểm sát viên không ? (tuỳ trường hợp cụ thể, nếu vụ án không có những người này thì không phải hỏi)
– Hỏi kiểm sát viên, người bào chữa có đề nghị thay đổi ai trong những người tiến hành tố tụng không ?
(Nếu có người yêu đề nghị thay đổi ai thì chủ toạ phiên toà xử lý ngay)
Sau khi đã giải quyết yêu cầu xin thay đổi người tiến hành tố tụng mà phiên toà vẫn tiến hành được thì chủ toạ phiên toà tiếp tục:
– Hỏi các bị cáo có mời người bào chữa có đồng ý để luật sư tiếp tục bào chữa cho mình không?
– Hỏi các bị cáo đã được giao nhận bản cáo trạng và quyết định đưa vụ án ra xét xử chưa ?
– Hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem ai có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không.
– Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt thì chủ tọa phiên tòa cũng phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên tòa hay không. Nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.
Nếu phiên toà vẫn tiếp tục thì chủ toạ tuyên bố chuyển sang phần xét hỏi.
2. Phần xét hỏi tại phiên toà:
– Đề nghị Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng.
– Tiến hành xét hỏi: (theo đề cương xét hỏi)
– Nếu việc xét hỏi đã đầy đủ thì tuyên bố chuyển sang phần tranh luận tại phiên toà. Trước khi kết thúc phần xét hỏi cần phải hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác xem họ có đề nghị hỏi thêm vấn đề gì nữa không. Nếu có người đề nghị, mà Hội đồng xét xử thấy việc xét hỏi thêm là là cần thiết thì Chủ toạ phiên toà cho xét hỏi tiếp.
3. Tranh luận tại phiên toà:
– Đề nghị Kiểm sát viên trình bày lời luận tội;
– Đề nghị người bào chữa trình bày lời bào chữa;
– Hỏi bị cáo có bổ sung ý kiến bào chữa của người bào chữa không?
( Nếu vụ án có nhiều bị cáo hoặc có nhiều người bào chữa thì để tất cả người bào chữa trình hết lời bào chữa cho tất cả các bị cáo, sau đó chủ toạ phiên toà hỏi từng bị cáo có bổ sung gì không ?)
– Bị cáo không có người bào chữa thì tự trình bày lời bào chữa;
– Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền lợi cho họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.
Cần chú ý: Tùy từng vụ án cụ thể mà chủ toạ phiên toà cho phép những người tham gia tố tụng khác trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
+ Đối đáp:
– Đề nghị Kiểm sát viên đáp lại ý kiến bào chữa của người bào chữa, của bị cáo; (nếu Kiểm sát viên từ chối đáp lại ý kiến bào chữa thì chủ toạ phải nhắc Kiểm sát viên thực hiện đúng quy định tại Điều 218 Bộ luật tố tụng hình sự về việc đối đáp )
– Người bào chữa đáp lại ý kiến của Kiểm sát viên.
– Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ đáp lại ý kiến của Kiểm sát viên về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của mình.
Sau khi Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, Chủ toạ phiên toà tuyên bố kết thúc tranh luận.
(Nếu qua tranh luận mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận)
+ Bị cáo nói lời sau cùng ( Chủ toạ phiên toà cần nhắc bị cáo chỉ nói ngắn gọn, không lặp lại những vấn đề đã được đối đáp khi tranh luận)
“Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi.”
4. Nghị án
Hội đồng xét xử phải tuyên bố thời gian nghị án, ngày giờ tuyên án để những người tham gia phiên toà biết.
5. Tuyên án
Nếu vụ án phải xét xử nhiều ngày, thì hết giờ làm việc buổi sáng, chủ toạ nhắc giờ làm việc buổi chiều; hết giờ làm việc buổi chiều, nhắc giờ làm việc sáng hôm sau và yêu cầu bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác phải có mặt đúng giờ.