Luật sư tư vấn thủ tục cấp Giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thủy văn chuyên dụng.

5

Trình tự,thủ tục cấp Giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thủy văn chuyên dụng

1. Thành phần hồ sơ.

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng (Theo mẫu)

 b) Báo cáo chi tiết về mục đích, yêu cầu của việc xây dựng và quy mô công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

 c) Bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách kỹ thuật hoặc cá nhân;

 d) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc hợp đồng thuê đất của công trình có công chứng;

 đ) Hồ sơ của công trình.

 – Đối với công trình khí tượng:

 + Sơ hoạ địa hình (hoặc mô tả chi tiết) khu vực xung quanh công trình trong phạm vi bán kính 500 mét;

 + Sơ đồ bố trí mặt bằng công trình (vườn quan trắc, nhà làm việc);

 + Độ cao thiết bị đo khí áp (nếu có);

 + Mô tả ảnh hưởng của các vật che chắn công trình.

 – Đối với công trình thuỷ văn:

 + Sơ hoạ đoạn sông (hồ, kênh, rạch) đặt công trình;

 + Sơ đồ bố trí mặt bằng (công trình đo đạc, nhà làm việc);

 + Cao độ sử dụng (quốc gia, hoặc giả định).

 2. Trình tự cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng

 Bước 1: Nộp hồ sơ

 – Công trình do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép:

 Tổ chức, cá nhân đứng tên hồ sơ đề nghị cấp phép gửi hai (02) bộ hồ sơ tới Vụ Khí tượng Thuỷ văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và sao gửi một (01) bộ hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường nơi đặt công trình.

 – Công trình do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép:

 Tổ chức, cá nhân đứng tên hồ sơ đề nghị cấp phép gửi hai (02) bộ hồ sơ tới Sở Tài nguyên và Môi trường nơi đặt công trình.

 Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

 Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ theo quy định trong thời hạn năm (5) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản để tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

 Bước 3: Thẩm định hồ sơ

 – Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép có trách nhiệm thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép; trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện để cấp

phép, phải trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết lý do không cấp giấy phép;

 – Nội dung thẩm định hồ sơ bao gồm:

 + Căn cứ pháp lý về đề nghị cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

 + Báo cáo chi tiết về mục đích, yêu cầu của việc xây dựng và quy mô công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

 + Hồ sơ của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

 + Tính hợp lý của việc lựa chọn địa điểm và sơ đồ bố trí công trình.

 – Trong trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tổ chức kiểm tra thực địa thì tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép có trách nhiệm cung cấp thông tin có liên quan đến việc kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

 – Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản sao hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo ý kiến của mình về đề nghị cấp giấy phép đối với các trường hợp do Vụ Khí tượng Thuỷ văn thẩm định.

 Bước 4: Quyết định cấp phép

 Trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình cấp giấy phép, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng; trường hợp không chấp nhận cấp giấy phép, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do để cơ quan thụ lý hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép