I – CƠ SỞ PHÁP LÝ:
-
Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam số 06/1997/QH10 ngày 12/12/1997
-
Luật số 10/2003/QH11 ngày 17/06/2003 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
-
Luật Các tổ chức tín dụng số 07/1997-QHX ngày 12/12/1997
-
Luật số 20/2004/QH11 ngày 15/06/2004 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức Tín dụng
-
Nghị định số 141/2006/NĐ-CP, ngày 22 tháng 11 năm 2006 Ban hành Danh mục vốn pháp định của các tổ chức tín dụng.
-
Nghị định số 10/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 1 số Điều của Nghị định số 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành Danh mục vốn pháp định của các tổ chức pháp định
-
Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/08/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân
-
Nghị định số 69/2005/NĐ-CP ngày 26/05/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/08/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân
II – ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP
Căn cứ vào Điều 14 Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/08/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, để thành lập quỹ tín dụng nhân dân cấp xã cần có các điều kiện như sau:
1. Có nhu cầu hoạt động ngân hàng trên địa bàn xin hoạt động; được sự chấp thuận của chính quyền địa phương về việc thành lập Quỹ tín dụng nhân dân.
2. Có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ: 0,1 tỷ đồng (Theo Nghị định số 10/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 1 số Điều của Nghị định số 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành Danh mục vốn pháp định của các tổ chức pháp định).
3. Thành viên sáng lập là tổ chức, cá nhân có uy tín và năng lực tài chính. (Điều 11).
“Sáng lập viên Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền được quy định tại Điều 67, 68 Nghị định này (bao gồm UBND cấp xã và UBND cấp huyện) về ý định thành lập, phương hướng và chương trình, kế hoạch hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
3. Sau khi được Ủy ban nhân dân chấp thuận bằng văn bản sáng lập viên xúc tiến các công việc:
a) Dự thảo Điều lệ;
b) Xây dựng phương hướng hoạt động;
c) Tổ chức tuyên truyền, vận động;
d) Chuẩn bị các công việc khác để tổ chức hội nghị thành lập”
4. Người quản trị, điều hành có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể: “có phẩm chất đạo đức tốt, có tín nhiệm, có năng lực quản lý và hiểu biết về hoạt động ngân hàng. Thành viên Hội đồng quản trị không được đồng thời là thành viên Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng, Thủ quỹ của Quỹ tín dụng nhân dân và không phải là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em ruột của họ.” (Điều 28 Nghị định này).
5. Có Điều lệ tổ chức, hoạt động phù hợp với quy định tại Điều 13 Nghị định này.Cụ thể:
“5.1. Mỗi Quỹ tín dụng nhân dân có Điều lệ riêng. Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân phải phù hợp với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã và các quy định khác của pháp luật.
5.2. Điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên Quỹ tín dụng nhân dân và nơi đặt trụ sở chính;
b) Nội dung và phạm vi hoạt động;
c) Thời hạn hoạt động;
d) Vốn Điều lệ và phương thức góp vốn;
đ) Cơ cấu tổ chức Quỹ tín dụng nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) và Ban Kiểm soát;
e) Thể thức tiến hành Đại hội thành viên và thông qua quyết định của đại hội thành viên;
g) Quyền và nghĩa vụ của thành viên;
h) Các nguyên tắc tài chính, kế toán, kiểm tra và kiểm toán nội bộ;
i) Các trường hợp và thủ tục về chia tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể, phá sản;
k) Thủ tục sửa đổi Điều lệ.
5.3. Điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân chỉ được thực hiện sau khi được ngân hàng Nhà nước chuẩn y.”
6. Có phương án hoạt động khả thi.
III – TRÌNH TỰ THỰC HIỆN
Bước 1: Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở gửi hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho phòng Quản lý các TCTD hợp tác Ngân hàng Nhà nước
Bước 2: Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thẩm tra các điều kiện theo quy định.
IV – THÀNH PHẦN HỒ SƠ
– Thành phần hồ sơ, bao gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động (Mẫu số 1 ban hành kèm theo Quyết định số 24/2006/QĐ-NHNN);
2. Biên bản Hội nghị thành lập Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở;
3. Dự thảo Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân đã được Hội nghị thành lập nhất trí thông qua;
4. Phương án hoạt động 3 năm đầu. Phương án phải thể hiện được sự cần thiết thành lập Quỹ tín dụng nhân dân, nội dung, kế hoạch hoạt động 3 năm đầu, hiệu quả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ đối với xã hội;
5. Danh sách, lý lịch, các văn bằng (bản sao có công chứng) chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn của thành viên sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc;
6. Mức vốn góp, phương án vốn góp, danh sách thành viên góp vốn và bản cam kết góp vốn của các thành viên;
7. Văn bản đề nghị của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn được Uỷ ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chấp thuận về việc thành lập đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở; văn bản chấp thuận của Uỷ ban Nhân dân cấp xã về nơi đặt trụ sở của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ
V – THỜI GIAN GIẢI QUYẾT
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định kèm theo cấp Giấy phép thành lập và hoạt động quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có văn bản giải thích lý do.
*Note:
Giấy phép thành lập và hoạt động quỹ tín dụng nhân dân là loại giấy phép mà tổ chức tín dụng phải có trước khi đăng ký kinh doanh
Quỹ tín dụng nhân dân được cấp giấy phép này phải thực hiện đăng ký kinh doanh tại các Phòng đăng ký kinh doanh ở các tỉnh.