LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2014 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
Họ tên NTSHNLS : NGUYỄN THỊ HUẾ Giới tính: Nữ
Sinh ngày : Nơi sinh:
CMND số : Cấp ngày: Tại Công An TP Hà Nội
TSHNLS theo QĐ số :……….. của Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Thời gian tập sự : Từ ngày:……………. đến hết ngày:
Tập sự tại TCHN : Văn phòng luật sư Tâm Đức
Địa chỉ trụ sở : …………. Cửa Bắc, Phường Trúc Bạch, Quận Ba Đình, TP Hà Nội
Luật sư hướng dẫn : Ông: …………… Số Thẻ Luật sư :……………. do LĐLSVN cấp.
Trong thời gian tập sự không phải là cán bộ, công chức. Không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 điều 3 Quy chế tập sự hành nghề luật sư được ban hành kèm theo Thông tư số 19/2013/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 28/11/2013 về việc hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư.
Nay tôi làm báo cáo kết quả tập sự hành nghề luật sư như sau:
I- VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TẬP SỰ :
- Về thực hiện quyền lợi:
- Trong thời gian tập sự tại Văn phòng luật sư Tâm Đức tôi đã được Trưởng văn phòng, và các Luật sư khác tại Công ty hướng dẫn về kỹ năng hành nghề luật sư và cách thức ứng xử theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
- Luật sư hướng dẫn đã phân công, hướng dẫn và trợ giúp tôi thực hiện các công việc như sau:
+ Phân tích, nghiên cứu hồ sơ vụ việc; Đưa ra quan điểm cá nhân về giải quyết vụ việc;
+ Cùng các Luật sư liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức, Tòa án nhân dân để thực hiện các hoạt động có liên quan đến việc bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các hoạt động tư vấn pháp luật của các Luật sư làm việc tại Công ty;
+ Chuẩn bị luận cứ bào chữa, luận cứ bảo vệ trong các vụ việc tố tụng dân sự, hình sự, và khiếu nại hành chính; Viết văn bản tư vấn đối với yêu cầu của khách hàng bằng quan điểm cá nhân để trình giám đốc và luật sư hướng dẫn xét duyệt;
+ Trợ giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác khi được khách hàng đồng ý.
- Tôi đã được tham dự các buổi tư vấn pháp luật cùng Luật sư hướng dẫn và các Luật sư khác trong Công ty; ghi chép, thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Luật sư hướng dẫn.
- Trong thời gian tập sự Luật sư hướng dẫn và các đồng nghiệp khác tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình tập sự hành nghề luật sư.
- Được hỗ trợ, tạo điều kiện tốt trong quá trình thực tập tại Văn phòng.
- Về nghĩa vụ trong thời gian thực tập:
- Trong thời gian tập sự tôi đã thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của người tập sự hành nghề luật sư như: Tuân thủ các quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư; Tuân theo Điều lệ Đoàn luật Thành phố Hà Nội, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; Thực hiện đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong các công việc theo sự phân công của Luật sư hướng dẫn;
- Tuân theo Điều lệ và Nội quy, Quy chế của Văn phòng thực tập.
- Nghiên cứu hồ sơ, viết báo cáo trình bày quan điểm cá nhân về vụ việc;
Tuy nhiên có đôi lúc do hoàn cảnh chủ quan, khách quan và hạn chế về năng lực kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức pháp lý, cá nhân tôi đã chưa thực hiện được đầy đủ xuất sắc nghĩa vụ của mình như: Trước sự phân công, hướng dẫn và yêu cầu của Luật sư hướng dẫn, tôi vẫn chưa hoàn thành được kết quả cuối cùng như yêu cầu và mong muốn của Luật sự hướng dẫn;
II. SỐ LƯỢNG, NỘI DUNG, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN CÁC VỤ VIỆC ĐƯỢC THAM GIA THEO PHÂN CÔNG, KINH NGHIỆM THU ĐƯỢC:
1. Về lĩnh vực tư vấn:
STT |
Tên vụ việc |
Nội dung |
Thời gian |
Địa điểm |
||
1 |
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐỊA CHÍNH HOÀNG GIA Trụ sở tại: Thông Xuân Thủy, xã Xuân Tiên, Huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. |
Tóm tắt nội dung tư vấn: Tư vấn về việc xin cấp giấy phép Đo đạc Bản đồ cho Công ty; Tóm tắt nội dung vụ việc: Công ty Cổ phần Địa chính Hoàng Gia hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0106011347 do Sở kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp, hiện công ty đang hoạt động về lĩnh vực đo đạc bản đồ, tuy nhiên chưa được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Nay công ty có nhu cầu xin cấp Giấy phép hoạt động Đo đạc Bản đồ do Cục đo đạc bản đồ Việt Nam thuộc Bộ tài nguyên Môi Trường cấp. Công ty thuê luật sư tư vấn việc xin giấy phép trên. |
Thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 03/2013 |
Sở Tài nguyên Môi trường, Cục đo đạc bản đồ, Bộ tài nguyên môi trường Việt Nam. |
||
|
1.1. Các vấn đề pháp lý đặt ra cho luật sư: – Nắm chắc các quy định pháp luật về doanh nghiệp để xem xét kỹ ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty về việc đã đủ điều kiện xin giấy phép đo đạc bản đồ hay chưa. – Nắm chắc các quy định của pháp luật về việc xin cấp giấy phép Đo đạc bản đồ cho công ty. Là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể : điều kiện về năng lực trình độ của cán bộ công nhân viên, của người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn kỹ thuật, có hệ thống máy móc kỹ thuật đảm bảo cho hoạt động đo đạc,…; Tư vấn các quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép, chế độ báo cáo liên quan…; – Tư vấn cho khách hàng phương pháp, cách thức triển khai, thời gian triển khai thực hiện công việc, thẩm quyền giải quyết, trình tự tiến hành, thành phần hồ sơ cần chuẩn bị để được cấp Giấy phép theo nội dung yêu cầu tư vấn trên; 1.2. Kinh nghiệm thu nhận được: – Vụ việc này đã tạo điều kiện để tôi tiếp xúc, nghiên cứu toàn diện, có hệ thống về mảng Luật doanh nghiệp, các hệ thống ngành nghề có điều kiện, các điều kiện cụ thể đối với ngành nghề đo đạc bản đồ khách hàng cần tư vấn, đặc biệt đi sâu về vấn đề cụ thể khách hàng yêu cầu đó là xin cấp Giấy phép Đo đạc bản đồ; – Qua vụ việc tôi đã thu nhận được kinh nghiệm trong các kỹ năng thu thập thông tin, tài liệu hồ sơ liên quan, kỹ năng trao đổi, tiếp xúc với khách hàng, biết cách hướng dẫn, tập hợp hồ sơ xin cấp giấy phép, các biểu mẫu, trợ giúp khách hàng soạn hồ sơ và tư vấn các vấn đề liên quan; |
|||||
2 |
CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN S.H TECH Trụ sở tại: Lô D8, Khu công nghiệp Đình Trám, xã Nhật Minh, Huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang. |
Tóm tắt nội dung tư vấn: Tư vấn về việc bổ sung mở rộng ngành nghề kinh doanh, tăng vốn điều lệ, thay đổi người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài cho Công ty; Tóm tắt nội dung vụ việc: Công ty TNHH S.H Tech hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2400648310, do Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp, Sau một thời gian hoạt động Chủ sở hữu công ty là Bà Đỗ Thị Hoa muốn thay đổi thuê người nước ngoài làm đại diện theo pháp luật của công ty đồng thời muốn bổ sung thêm ngành nghề đăng ký kinh doanh và nâng vốn điều lệ công ty. Nay Công ty thuê luật sư tư vấn cách thức thực hiện và thuê luật sư đại diện thực hiện việc thay đổi trên tại tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
|
Từ ngày 13/03/ 2013 đến 25/03/2013 |
Trụ sở công ty, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang |
||
2.1. Các vấn đề pháp lý đặt ra cho luật sư: – Nắm chắc các quy định pháp luật về doanh nghiệp và các căn cứ pháp lý trong việc bổ sung ngành nghề kinh doanh, tăng vốn điều lệ, thay đổi người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài cho công ty; – Tư vấn điều kiện cụ thể của ngành nghề khách hàng muốn bổ sung, mức vốn điều lệ khách hàng muốn tăng, tư vấn về điều kiện thay đổi người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài của Công ty, hồ sơ yêu cầu đối với người nước ngoài khi thuê họ là người đại diện theo pháp luật; – Tư vấn cho khách hàng phương pháp, cách thức triển khai, thời gian triển khai thực hiện công việc yêu cầu tư vấn trên; 2.2. Kinh nghiệm thu nhận được: – Vụ việc này đã tạo điều kiện để tôi tiếp xúc, nghiên cứu toàn diện hơn về mảng Luật doanh nghiệp, đặc biệt đi sâu về vấn đề cụ thể khách hàng yêu cầu; – Qua vụ việc tôi đã thu nhận được kinh nghiệm trong các kỹ năng trao đổi, nắm bắt, đánh giá đối tượng khách hàng. Trong vụ việc này là người hiểu biết, có kiến thức cơ bản, không có thời gian nhiều nên khi tiếp xúc cần đưa ra những quan điểm chính lý, căn cứ pháp luật chính xác, am hiểu về pháp luật chuyên ngành doanh nghiệp; – Qúa trình nghiên cứu và phân tích vụ việc tôi đã học được cách xác định vấn đề pháp lý trọng tâm đó là xác định rõ yêu cầu của khách hàng, soáy sâu vào mong muốn của họ, tư vấn kỹ về điều kiện thực hiện và kết quả sau khi thực hiện xong yêu cầu của khách; |
||||||
3 |
CÔNG TY CỔ PHẦN CTLINK Địa chỉ trụ sở: Khối Độc Lập, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội, Việt Nam. |
Tóm tắt nội dung vụ việc: – Bổ sung ngành nghề bưu chính vào trong ngành nghề đăng ký kinh doanh cho Công ty. – Tư vấn về việc xin cấp giấy phép bưu chính phạm vi quy mô trong nước cho công ty; Nay công ty có nhu cầu thuê luật sư tư vấn thực hiện công việc trên. |
Tháng 05/2013 đến tháng 07/2013 |
Trụ sở Công ty Cổ phần CTLink. Cục bưu chính thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông
|
||
|
3.1. Các vấn đề pháp lý đặt ra cho luật sư: – Nắm chắc các quy định pháp luật về doanh nghiệp và các căn cứ pháp lý trong việc bổ sung ngành nghề kinh doanh, và thủ tục xin cấp giấy phép bưu chính cho công ty trong phạm vi trong nước; – Tư vấn điều kiện bổ sung ngành nghề bưu chính trong nước cho công ty. Là ngành nghề có điều kiện về vốn pháp định theo quy định của pháp luật. Do vậy để xin được cấp giấy phép bưu chính thì phải bổ sung ngành nghề kinh doanh trước, để bổ sung được ngành nghề kinh doanh thì doanh nghiệp phải đảm bảo vốn pháp định đủ 2 tỷ trở lên, vì vốn công ty đã đủ 2 tỷ do vậy khi bổ sung kèm báo cáo tài chính đủ vốn điều lệ đã đăng ký; – Nắm chắc quy định của Luật bưu chính số 49/2010/QH12, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành về việc xin cấp giấy phép bưu chính cho doanh nghiệp; Các quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép, chế độ báo cáo liên quan…; – Tư vấn cho khách hàng phương pháp, cách thức triển khai, thời gian triển khai thực hiện công việc yêu cầu tư vấn trên; 3.2. Kinh nghiệm thu nhận được: – Vụ việc này đã tạo điều kiện để tôi tiếp xúc, nghiên cứu toàn diện hơn về mảng luật Bưu chính, các văn bản hướng dẫn thi hành đặc biệt đi sâu về vấn đề cụ thể khách hàng yêu cầu đó là xin cấp giấy phép bưu chính; – Qua vụ việc tôi đã thu nhận được kinh nghiệm trong các kỹ năng thu thập thông tin, tài liệu hồ sơ liên quan, kỹ năng trao đổi, tiếp xúc với khách hàng, biết cách hướng dẫn, tập hợp hồ sơ xin cấp giấy phép, các biểu mẫu, trợ giúp khách hàng soạn hồ sơ và tư vấn các vấn đề liên quan; |
|||||
2- Về cung cấp dịch vu pháp lý:
STT |
Tên vụ việc |
Nội dung |
Thời gian |
Địa điểm |
||
1 |
Tư vấn đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài giữa: CHỒNG NINH HOÀNG ĐẠI THẮNG VÀ VỢ LÀ NGUYỄN HÒA NGÂN. Địa chỉ thường trú: Số 09-A6 TT 8/3 phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội (hiện đang cư trú tại số 2 đường Lê Văn Thiêm, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) Vợ đăng ký Hộ khẩu thường trú tại: Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. |
Tóm tắt nội dung vụ việc: Anh Thắng và chị Ngân có quá trình tìm hiểu rồi kết hôn thông qua người giới thiệu và trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi (chỉ trong vài ba tháng), trước khi tiến tới hôn nhân, việc trao đổi giữa hai người chủ yếu bằng thư từ qua mạng, với 1, 2 lần gặp gỡ trực tiếp. Anh Thắng và Chị Ngân kết hôn từ ngày 04/01/2010 đăng ký kết hôn tại UBND Phường Ngọc Khánh, Ba Đình, TP Hà Nội nhưng tính cho đến nay thời gian hai người thực tế sống với nhau chỉ tính bằng 1, 2 tháng. Chị Nguyễn Hòa Ngân hiện đang là nghiên cứu sinh tại Canada. Sau khi kết hôn hai vợ chồng không sống chung với nhau nhiều, chỉ vài ba tháng, chị Ngân nghiên cứu sinh tại Canada, chồng làm việc tại Việt Nam, do mâu thuẫn hai bên về đời sống, công việc và nơi định cư cho tương lai, hai vợ chồng mâu thuẫn không thể tiếp tục kéo dài cuộc sống chung. Hiện nay: Anh Thắng yêu cầu luật sư tư vấn làm thủ tục ly hôn đơn phương, con cái do vợ tiếp tục nuôi, không có tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và không yêu cầu Tòa án giải quyết. |
Thời gian Tháng 07/2013 |
Trụ sở văn phòng |
||
1.1. Các vấn đề pháp lý đặt ra cho luật sư: – Nắm chắc các quy định pháp luật hôn nhân gia đình, về quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, con cái, tài sản trong thời kỳ hôn nhân, và các căn cứ cho ly hôn, các vấn đề con cái, tư vấn về việc chuẩn bị hồ sơ, hướng dẫn cung cấp các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của khách hàng là có cơ sở và hợp pháp. – Tư vấn cho khách hàng phương pháp thu thập chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có cơ sở và hợp pháp. – Nắm chắc và tư vấn cho khách hàng về trình tự, thủ tục, hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. 1.2. Kinh nghiệm thu nhận được: – Vụ việc này đã tạo điều kiện để tôi tiếp xúc, nghiên cứu với mảng pháp luật về hôn nhân gia đình, đặc biệt đi sâu về vấn đề tố tụng trong vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài. – Qua vụ việc tôi đã thu nhận được khá nhiều kinh nghiệm trong các kỹ năng trao đổi, tiếp xúc với khách hàng: Đối tượng khách hàng này rất chân thành và rất đáng đồng cảm, nên khi tiếp xúc cần sự mềm mỏng, thấu hiểu, chia sẻ về hoàn cảnh. – Qúa trình nghiên cứu và phân tích vụ việc tôi đã học được cách xác định vấn đề pháp lý trọng tâm đó là việc thu thập củng cố chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự. Vụ việc này quan trọng nhất là anh Thắng cần thu thập và củng cố các chứng cứ nhằm chứng minh cho yêu cầu của mình là có cơ sở và hợp pháp, chứng minh về địa chỉ thường trú của vợ anh Thắng tại nước ngoài, nơi trường học nghiên cứu sinh tại Pháp. – Đối với các vụ việc kiểu này, luật thực định là một vấn đề, tuy nhiên việc xử lý và ứng xử khéo léo để hướng những người liên quan ủng hộ khách hàng nhằm giúp khách hàng tạo lập các chứng cứ chứng minh là việc luật sư cần hết sức chú ý và tư vấn cho khách hàng hiểu được và làm được, có như vậy quá trình tố tụng mới đạt hiệu quả. |
||||||
2 |
Tư vấn thuận tình ly hôn và thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng giữa: CHỒNG: HOÀNG ĐỨC CÔNG VÀ VỢ LÀ BÙI THỊ KIM THANH Địa chỉ: Nhà C8, TT Giảng Võ, Ba Đình, TP Hà Nội |
Tóm tắt nội dung: Ông Hoàng Đức Công (sinh năm 1966) và bà Bùi Thị Kim Thanh (sinh năm 1970) có đăng ký kết hôn hợp pháp tại Ủy ban nhân dân Quận Ba Đình. Hai vợ chồng có hai người con ruột chung là: Con trai Hoàng Đức Thành (Sinh năm 1999) và con gái là Hoàng Thanh Hương (sinh năm 1994). Trong thời kỳ hôn nhân hai vợ chồng có khối tài sản chung là Nhà và đất bao gồm: – Nhà C8, TT Giảng Võ, Ba Đình, TP Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: 10101195564, do UBND TP Hà Nội cấp ngày 19/04/2002; Có diện tích 35.2m2 – Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa chỉ: Thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Có tổng diện tích gồm: 253m2 đất vườn, 250m2 đất thổ cư; Nay: Hai vợ chồng muốn thuê luật sư tư vấn về việc thuận tình ly hôn trên. Cụ thể: Về con cái: Chồng sẽ nuôi con trai là Hoàng Đức Thành; Vợ sẽ nuôi con gái là Hoàng Thanh Hương; Về tài sản: Ông Ông Hoàng Đức Công sẽ nhận tặng cho lại toàn bộ diện tích nhà tại C8, TT Giảng Võ, Ba Đình, TP Hà Nội; Ông Hoàng Đức Công và con trai là Hoàng Đức Thành sẽ nhận 30m2 đất thổ cư + 253m2 đất vườn tại Thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh và con gái là Đào Thanh Hương sẽ nhận 220m2 đất thổ cư tại địa chỉ Thôn Phượng Nghĩa, xó Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. |
Thời gian Tháng 03/2013 |
Trụ sở văn phòng, Tòa án nhân dân Quận Ba Đình, Phòng Tài Nguyên Môi trường Quận Ba Đình, Phòng Tài nguyên Môi trường Huyện Chương Mỹ. |
||
|
2.1. Các vấn đề pháp lý đặt ra cho luật sư: – Nắm chắc các quy định pháp luật hôn nhân gia đình, về quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, con cái, tài sản trong thời kỳ hôn nhân, và các căn cứ cho ly hôn, các vấn đề con cái, tư vấn về việc chuẩn bị hồ sơ, hướng dẫn cung cấp hồ sơ pháp lý để làm thủ tục ly hôn thuận tình. – Tư vấn cho khách hàng phương pháp, hình thức và nội dung trong việc chuẩn bị hồ sơ, cung cấp chứng cứ cho yêu cầu của mình là có cơ sở và hợp pháp; – Nắm chắc và tư vấn cho khách hàng về trình tự, thủ tục, hồ sơ vụ việc thuận tình ly hôn Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. – Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, để hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà tại UBND Quận Ba Đình cho ông Hoàng Đức Công, quyền sử dụng đất. Thực hiện các thủ tục tách thửa tại Phòng Tài nguyên Môi trường Huyện Chương Mỹ cho các bên; 2.2. Kinh nghiệm thu nhận được: – Vụ việc này đã tạo điều kiện để tôi tiếp xúc, nghiên cứu một cách tổng thể về một vụ việc thuận tình ly hôn có tài sản. – Qua vụ việc tôi đã thu nhận được khá nhiều kinh nghiệm trong các kỹ năng trao đổi, tiếp xúc với khách hàng: Đối tượng khách hàng có hiểu biết tuy nhiên mất niềm tin vào người khác, hoàn cảnh rất đáng đồng cảm, nên khi tiếp xúc cần sự mềm mỏng, thấu hiểu, chia sẻ về hoàn cảnh gia đình của họ, các con và đứng trên quyền lợi ích chung của hai vợ chồng và các con họ cho dù là luật sư do bên Chông thuê. – Qúa trình nghiên cứu và phân tích vụ việc tôi đã học được cách xác định vấn đề pháp lý trọng tâm đó là việc thu thập, chuẩn bị hồ sơ, nắm bắt được tình trạng mâu thuẫn của hai vợ chồng để đưa ra được tiếng nói chung cho hai bên, tạo niềm tin pháp lý cho hai bên yên tâm thực hiện tất cả các thủ tục đi kèm. |
|||||
3 |
Vụ việc Công ty điện lực Ba Vì và UBND xã Tản Hồng đặt Trạm biến áp Phú Cường 1 không đảm bảo hành lang an toàn trạm điện và đường dây dẫn điện cho gia đình ông Lê Đức Đỉnh. |
Tóm tắt vụ việc: Ông Lê Đức Đỉnh, 83 tuổi, có địa chỉ tại Cụm 6 thôn La Phẩm, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội. Công ty Điện lực Ba Vì và UBND xã đã Tản Hồng đặt Trạm biến áp Phú Cường I sát với danh giới thửa đất của gia đình ông Đỉnh không xin phép, không thông báo cho gia đình hành lang an toàn trạm điện, hành lang an toàn đường dây dẫn điện không đảm bảo, mất mỹ quan của toàn bộ nhà đất tọa lạc tại thửa đất và an toàn tính mạng, sức khỏe gia đình ông. Nay gia đình ông có nhu cầu nhờ luật sư đại diện thực hiện các thủ tục liên quan yêu cầu di chuyển trạm biến áp xây dựng trên ra khỏi phần diện tích đất trước mặt cổng nhà ông. |
Thời gian thực hiện Tháng 11/2013 |
UBND xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, Công ty Điện lực Ba Vì. |
||
|
3.1. Các vấn đề pháp lý đặt ra cho luật sư: – Nắm rõ nguồn gốc Thửa (mảnh) đất mà gia đình ông Lê Đức Đỉnh đang quản lý, sử dụng có nguồn gốc từ lâu đời. Có một mặt giáp đường cái to của thôn là để mở lối đi (cổng). Với mặt giáp đường cái to của thôn này, gia đình ông Đỉnh không chỉ mở lối, cổng để đi mà còn có thể mở quán bán hàng để có thêm thu nhập cải thiện đời sống gia đình. Như vậy việc Công ty và UBND xã đặt Trạm biến áp Phú Cường 1 án ngữ, chắn toàn bộ lối (cổng) đi của thửa đất cũng có nghĩa là chặn lối đi của toàn bộ người của gia đình ông Đỉnh (nếu ai liều đi qua gầm Trạm biến áp thì không bảo đảm cho tính mạng) cũng đồng thời chấm dứt luôn tương lai gia đình ông muốn kinh doanh thêm để cải thiện thêm đời sống vốn đã quá khó khăn. – Thửa đất của gia đình ông Đỉnh đã được chia làm nhiều phần cho các con, do vậy mỗi phần đất sẽ cần phải có lối đi riêng. Việc mở cổng, mở lối đi là quyền của chủ sử dụng đất trên cơ sở pháp luật quy định và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy có thể nói việc Công ty và UBND xã đặt Trạm biến áp tại đây là khó có thể được chấp nhận. – Nắm rõ pháp luật hiện hành (Luật Điện lực, Nghị định 106/2005, Nghị định 81/2009…) đã quy định rất rõ việc xây dựng các công trình lưới điện cao áp sau khi được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt thì những người có trách nhiệm phải thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân là chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng và tài sản khác nằm trong phạm vi hành lang công trình lưới điện cao áp biết, việc thỏa thuận về bồi thường, hỗ trợ… Thực tế, gia đình ông Đỉnh là chủ sử dụng đất liền kề, nằm trong phạm vi hành lang công trình lưới điện cao áp, trực tiếp chịu ảnh hưởng, thiệt hại bởi việc xây dựng Trạm biến áp Phú Cường 1 nhưng không nhận được bất cứ thông báo nào từ phía các cơ quan liên quan. Hơn thế gia đình ông có gửi đơn đề nghị tạm dừng thi công và đề nghị giải thích rõ tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền chưa giải quyết mà vẫn tiếp tục thi công công trình trên. – Ngoài ra luật sư còn cần phải xem xét thực tế, sắp xếp buổi làm việc trực tiếp với bên Ủy ban xã Tản Hồng, Công ty Điện lực Ba Vì để giải quyết và trả lời rõ nội dung công dân đề nghị giải quyết. 3.2. Kinh nghiệm thu nhận được: – Vụ việc này đã tạo điều kiện để luật sư tập sự như tôi tiếp xúc, nghiên cứu một cách tổng thể pháp luật có liên quan, được gặp gỡ với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc, được lắng nghe cách xử lý vụ việc thấu đáo của luật sư hướng dẫn từ đó rút ra kinh nghiệm sử sự trước cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện các vụ việc trong tương lai. – Qua vụ việc tôi đã thu nhận được kinh nghiệm trong việc đánh giá tổng thể vụ việc, đánh giá chứng cứ, đánh giá các quy định pháp luật có liên quan. Nắm bắt được tâm lý khách hàng, mong muốn cũng như tâm tư nguyện vọng có căn cứ của khách. – Qúa trình nghiên cứu và phân tích vụ việc tôi đã học được cách xác định vấn đề pháp lý trọng tâm đó là việc thu thập, chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ, xác định được cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết trước, sắp xếp nên gặp cơ quan nào trước, nào sau để đạt hiệu quả giải quyết công việc tốt nhất. Trong các buổi gặp gỡ, đặt lịch làm việc với các cơ quan kỹ năng sắp xếp lịch hẹn, gửi công văn, và tổ chức buổi gặp sao cho hợp lý, tất cả đều là kỹ năng cực kỳ quý báu từ luật sư hướng dẫn chỉ cho tôi. |
|||||
3. Về lĩnh vực tranh tụng:
STT |
Tên vụ việc |
Nội dung |
Thời gian |
Địa điểm |
1 |
Vụ án hình sự: Bảo vệ cho anh Trần Mạnh Trung Trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự. |
– Ngày 19/1/2010, Cơ quan CSĐT CAT Quảng Ninh đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự số 04 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Quyết định Khởi tố bị can số 39 đối với Trần Mạnh Trung. – Ngày 6/6/2010, Cơ quan CSĐT CA Tỉnh Quảng Ninh đã ra bản kết luận điều tra vụ án số 86, đồng thời VKSND tỉnh Quảng Ninh ra bản cáo trạng số 86 ngày 28/6/2010 và chuyển hồ sơ đến TAND tỉnh Quảng Ninh để xét xử. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND tỉnh Quảng Ninh xác định thẩm quyền xét xử là TAND TP Hà Nội nên đã trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Quảng Ninh để VKSND tỉnh Quảng Ninh chuyển đến các cơ quan tố tụng hình sự TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền. – Ngày 4/10/2010, VKSND TP Hà Nội ra bản cáo số 411 thay thế bản cáo trạng số 86 ngày 28/6/2010 của VKSND tỉnh Quảng Ninh đồng thời chuyển hồ sơ đến TAND TP Hà Nội đề nghị xét xử bị can Trần Mạnh Trung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS. – Ngày 19/1/2012 VKSND tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định chuyển vụ án số 02 cho sơ quan CSĐT CATP Hà Nội. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã có công văn số 895/PC44-D3 ngày 4/2/2012 báo cáo đồng chí Thủ trưởng CSĐT CATP Hà Nội xin ý kiến về việc tiếp nhận hồ sơ vụ án nếu VKSND TP Hà Nội ra quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra lại cho Cơ quan CSĐT CATP HÀ Nội. Nhưng VKSND TP Hà Nội không chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội mà tiếp tục chuyển hồ sơ cho TAND TP Hà Nội để xét xử. – Ngày 11/5/ 2012, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử Trần Mạnh Trung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tuyên phạt bị cáo 20 năm tù giam. Về trách nhiệm dân sự, buộc Trung phải trả lại cho anh Mai tổng cộng số tiền 3.520.500.000 đồng. – Do bị cáo khách cáo, ngày 18/10/2012, TAND tối cao đã mở phiên tòa công khai xét xử vụ án nêu trên, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội để điều tra lại theo Bản án Phúc thẩm số 558/ 2012/ HSPT ngày 18/10/2012 của Tòa phúc thẩm TAND tối cáo tuyên Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 243/2012/HSST ngày 11/05/2012 của TAND TP Hà Nội; và quyết định trả hồ sơ số 02/ QĐ-VKS( P1) ngày 11/03/2013 của VKSND TP Hà Nội cho Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội để điều tra vụ án. – Ngày 15/03/2013, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội tiếp nhận hồ sơ vụ án trên do VKSND TP Hà Nội chuyển đến theo Quyết định số 02/ QĐ – VKS.P1. Nay, gia đình bị can, bố đẻ của Trần Mạnh Trung, được sự đồng ý của bị cáo mời luật sư Phạm Văn Huỳnh thuộc Văn phòng luật sư Tâm Đức tham gia bảo về quyền lợi cho anh Trần Mạnh Trung từ giai đoạn điều tra vụ án. |
Cơ quan Cảnh sát Điều tra TP Hà Nội, Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. |
Tháng 4/2013 đến 11/2013 |
1.1. Các vấn đề pháp lý đặt ra cho luật sư tập sự khi được giao nghiên cứu và đưa ra quan điểm về vụ án: – Được mời tham gia bảo vệ cho anh Trần Mạnh Trung từ giai đoạn điều tra vụ án sau khi đã có bản án phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra lại, là vụ án phức tạp đòi hỏi kỹ năng và am hiểu pháp luật rộng, đối mặt với án lớn, khung hình phạt nặng càng đặt ra cho luật sư phải tỉ mỉ tìm hiểu và đánh giá toàn bộ vụ án một cách chính xác, khoa học và hợp lý; – Tìm hiểu kỹ nội dung vụ án, các tình tiết có trong vụ án để làm sáng tỏ nội dung cần chứng minh, cụ thể sơ lược như sau: + Do có quan hệ thân thiết làm ăn với anh Nguyễn Thanh Quang (sinh năm 1964, tạm trú tại: Tổ 29 D, Khu phố 8, Phường Quang Trung, Thị xã Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh) nên đầu tháng 04/2009, Ông Như Ban Mai (sinh năm 1962, trú tại: Số 76, Khu Quân Nhân, Phường Cửa Bắc, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định), anh Mai nói với anh Quang là có khách hàng bên Trung Quốc muốn mua than của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (gọi tắt TKV) với số lượng khoảng 2 triệu tấn và bàn với Quang tìm cách để TKV ký hợp đồng xuất khẩu với số lượng trên cho khách hàng Trung Quốc. + Cuối tháng 04/2009, anh Quang giới thiệu cho anh Mai biết anh Trần Mạnh Trung (sinh năm 1975, trú tại: Cụm 8, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, là người anh Quang quen từ trước). Sau đó, Trung, Mai, Quang nhiều lần gặp nhau tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và tại Hà Nội. Trung nói với Mai có thể lo được hợp đồng như Mai nhờ, nhưng để lo được hợp đồng trên Trung yêu cầu Mai phải có một khoản tiền 200.000 USD để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng mua bán. + Ngày 29/04/2009, Mai đi cùng với Quang và hẹn gặp Trung tại quán cà phê Nắng Sài Gòn trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, Mai đã đưa cho Trung số tiền 5000 USD. Ngoài lần nhận tiền tên, anh Mai khai còn đưa cho Trung 3 lần: Lần 1: Chiều ngày 04/05/2009 tại nhà của chị gái Mai tại Làng quốc tế Thăng Long thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, Mai đưa cho anh Trung số tiền 20.000 USD có sự chứng kiến của Quang; Lần 2: Chiều ngày 04/05/2009, Mai, Quang, Trung đến hiệu vàng tại số 8 Tạ Hiện, Phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Mai nhận 3.000.000.000 đồng là tiền do em trai Mai là Như Anh Dương chuyển từ Quảng Ninh lên qua hiệu vàng số 8 Tạ Hiện, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau đó Mai đưa luôn cho anh Trung; Lần 3: Khoảng cuối tháng 6 năm 2009, Mai đưa 300 triệu cho Trung tại một hiệu vàng trên phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm ( không nhớ rõ là hiệu vàng nào). Tất cả các lần đưa tiền đều không có giấy tờ biên nhận. Trần Mạnh Trung không thừa nhận đã nhận của Mai 20.000 USD và 3.300.000.000 đồng nêu trên. + Ngoài lời khai của anh Mai đưa tiền cho anh Trung, anh Mai không có chứng cứ nào khác để chứng minh đã đưa tiền cho Trần Mạnh Trung. – Qua hồ sơ nghiên cứu anh Trần Mạnh Trung khai nhận không có vai trò gì ở Tập đoàn TKV (đã từng môi giới thiệu thành công vụ một lần tuy nhiên do phía Trung Quốc không lấy nữa nên Hợp đồng mới bị hủy) khi Mai nhờ lo ký hợp đồng xuất khẩu than, Trung nhận lời và nhận của Mai 5.000 USD, nhưng sau đó không lo được Hợp đồng cho Mai. – Nắm chắc các quy định pháp luật hình sự về nội dung, hình thức, căn cứ cấu thành tội phạm, hành vi thực hiện, đánh giá lời khai, đánh giá chứng cứ một cách tổng hợp để thấy rằng anh Mai khai đưa tiền cho anh Trung rất nhiều lần tổng hơn 3 tỷ, tuy nhiên thì chỉ là lời khai của anh Mai, trong hồ sơ vụ án các lời khai không thống nhất với nhau, nhân chứng lúc nhớ lúc không, khai không thống nhất… Anh Trung có nhận 5000 usd từ anh Quang và cho rằng đây là số tiền anh Quang cảm ơn do lần trước nhờ ký hợp đồng với bên Trung Quốc nhưng đã hủy. – Gia đình anh Trung là bố đẻ đã tự nguyện nộp 100 triệu đồng để đền bù trả cho anh Mai, nộp tại kho bạc theo quy định. – Kết quả: Anh Trần Mạnh Trung thay vì phải chịu mức án 20 năm tù, chịu trách nhiệm bồi hoàn hơn 3 tỷ cho anh Mai, nay đã thay bằng bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Hà Nội mức án 5 năm tù giam và buộc trả cho anh Mai 100 triệu đồng được lấy từ kho bạc do bố đẻ anh Trung tự nguyện khắc phục hậu quả. 1.2. Kinh nghiệm thu nhận được: – Vụ án hình sự trên là vụ phức tạp, qua nhiều lần xét xử, hủy án, điều tra bổ sung, điều tra lại nhiều lần, tình tiết phức tạp, mặc dù nhận bào chữa cho anh Trung từ thời điểm có bản án phúc thẩm của Tòa án tối cao hủy án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Hà Nội trả hồ sơ điều tra lại, do vụ án kéo dài, tình tiết chồng chéo, hồ sơ không tránh khỏi lộn xộn phải chắt lọc rất kỹ để tìm được những tài liệu mình cần và nghiên cứu một cách tổng thể nhất để làm việc bắt đầu cùng với CQCSĐT TP Hà Nội., VKSND TP Hà Nội, TAND TP Hà Nội. – Qua vụ án tôi thu nhận được rất nhiều kinh nghiệm trong việc làm việc với cơ quan có thẩm quyền liên quan tới vụ án hình sự, có cách nhìn tổng thể, khách quan, đánh giá lời khai, đánh giá chứng cứ một cách khách quan hơn, có lòng tin hơn vào quan điểm cá nhân sau khi đã nghiên cứu kỹ quy định pháp luật và tiếp xúc gặp gỡ thân chủ cũng như gia đình thân chủ, và trong quá trình làm việc với các Cơ quan liên quan. – Biết lắng nghe mong mỏi của khách hàng, giải thích một cách thấu đáo hợp tình, hợp lý cho gia đình khách hàng để họ yên tâm hơn và có niềm tin vào cách xử lý công việc của luật sư; – Qúa trình nghiên cứu và phân tích vụ án buộc phải tìm hiểu thật kỹ các quy định của pháp luật về hình sự, các văn bản có liên quan tới toàn bộ các vấn đề của vụ án: Thẩm quyền điều tra, thẩm quyền xét xử, trình tự, thủ tục tố tụng một cách cần thiết đảm bảo không bị bỡ ngỡ khi tham gia phiên tòa; – Giúp luật sư chuẩn bị tốt các tài liệu cơ bản cần có trong vụ án, sắp xếp hợp lý khi tham gia các buổi làm việc với các cơ quan có thẩm quyền và đặc biệt tại Tòa án. – Việc nghiên cứu về loại tội này đã tạo cơ hội cho tôi nắm chắc về việc định tội danh, xác định các tình tiết định khung, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với anh Trung. – Dưới sự hướng dẫn của Luật sư tôi đã tập viết luận cứ bào chữa cho bị cáo, qua đó tôi nhận biết được điểm mạnh điểm yếu trong cách lập luận, trình bày của bản thân mình. – Việc được tham dự phiên tòa trực tiếp góp phần để tôi học hỏi kinh nghiệm tranh tụng tại tòa; học hỏi những kỹ năng cần thiết trong các thủ tục hỏi, tranh luận trong phiên tòa; giúp tôi nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của luật sư.
– Kinh nghiệm nhận biết và áp dụng các tình tiết định khung hình phạt, đặc biệt là liên quan tới tội lừa đảo, khắc phục hậu quả được ưu tiên làm tình tiết giảm nhẹ… |
III-KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC, ĐỀ XUẤT TRONG QUÁ TRÌNH TẬP SỰ
1- Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tập sự:
Thứ nhất: Luật Luật sư sửa đổi bổ sung năm 2012 có quy định tại khoản 5, Điều 1 sửa đổi Điều 14 Luật luật sư 2006 như sau:
“ 3. Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.
Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.”
Luật luật sư sửa đổi bổ sung 2012 đã có hiệu lực pháp luật, mở rộng quyền đối với luật sư tập sự như chúng tôi rất nhiều, tuy nhiên cơ bản là luật sư tập sự được nghe, nhìn là chính, mà theo quan điểm nhận định của tôi có rất nhiều việc, đặc biệt là các vụ việc tư vấn cho khách hàng, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý tôi có thể đảm trách thực hiện trực tiếp và chịu trách nhiệm trước khách hàng.
Tuy nhiên Luật chỉ cho phép chúng tôi được thực hiện các công việc trên khi luật sư tập sự giao và được khách hàng đồng ý. Tuy nhiên thế nào được gọi là khách hàng đồng ý ? Hình thức đồng ý của khách hàng như thế nào thì Luật không không quy định. Với quy định như vậy không tránh khỏi có trường hợp khách hàng đồng ý bằng lời nói, quá trình thực hiện công việc tốt thì không sao, phát sinh vấn đề khó khăn lúc đó chứng minh khách hàng đã đồng ý rất khó, sẽ phát sinh nhiều vấn đề tiếp sau.
Thứ hai: Ngoài khó khăn do luật quy định, khi tập sự chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn khác như: Do kinh nghiệm còn ít, kiến thức thực tế pháp luật cũng không nhiều do vậy không khỏi khó khăn trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ và đánh giá hồ sơ cho đúng, đầy đủ và nhanh chóng đảm bảo tiến độ triển khai công việc của luật sư thuận lợi.
2- Đề xuất, kiến nghị :
Xuất phát từ thực tiễn tôi mạnh dạn đưa ra một vài đề xuất kiến nghị như sau:
- Đối với quy định của pháp luật: Nên mở rộng hơn nữa quyền của người tập sự hành nghề luật sư, ví dụ cho họ trực tiếp nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý của khách hàng khi được sự đồng ý của người đại diện tổ chức hành nghề luật sư, của Luật sư hướng dẫn nơi họ tập sự và sự đồng ý của khách hàng cần quy định rõ hình thức đồng ý của khách hàng, cần quy định trách nhiệm cá nhân của người tập sự để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, như vậy sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người tập sự hành nghề luật sư cơ hội rèn luyện các kỹ năng một cách thực tế và chịu trách nhiệm về hành vi mình thực hiện họ sẽ có trách nhiệm cao đối với công việc mình đang tiến hành.
- Đối với Đoàn luật sư: Trong điều kiện cho phép, Đoàn Luật sư nên tổ chức các buổi đào tạo, giao lưu và tọa đàm giữa Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư, các Luật sư thành viên của Đoàn với những người tập sự hành nghề luật sư nhằm tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và đề xuất của người tập sự, cũng như tạo điều kiện để người tập sự được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiếp xúc với các Luật sư đi trước, như vậy sẽ củng cố thêm sự gắn bó chặt chẽ giữa Đoàn luật sư với những người tập sự, làm phong phú thêm trong quan hệ và đời sống tinh thần của người tập sự. Các buổi gặp mặt, giao lưu, tọa đàm có thể tổ chức định kỳ hoặc nhân các dịp lễ kỉ niệm, được công khai thông tin về lịch trình, nội dung; thông báo trực tiếp đến các tổ chức hành nghề luật sư để thông tin đến kịp thời với người tập sự.
Đối với các tổ chức hành nghề luật sư: Người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư và các Luật sư hướng dẫn nên mạnh dạn giao việc cho người tập sự, nhiệt tình trợ giúp hướng dẫn và nghiêm túc sát sao kiểm tra công việc đã giao cho người tập sự.
Trên đây là Bản Báo cáo và tự kiểm điểm cho quá trình tập sự hành nghề luật sư mà bản thân tôi đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Nay bằng văn bản này xin báo cáo đến Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội xem xét và tiến hành các thủ tục xác nhận cho tôi có đủ điều kiện tham dự kỳ thi kiểm tra hết tập sự hành nghề lần thứ nhất năm 2014.
Xin chân thành cảm ơn Ban Chủ nhiệm Đoàn.
|
NGƯỜI TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
NGUYỄN THỊ HUẾ
|
NHẬN XÉT CỦA LUẬT SƯ HƯỚNG DẪN, XÁC NHẬN CỦA VĂN PHÒNG
Tôi, Luật sư Phạm Văn Huỳnh Trưởng VPLS Tâm Đức là luật sư hướng dẫn cho người tập sự hành nghề luật sư Bà: Nguyễn Thị Huế nêu trên. Tôi xác nhận các vụ việc luật sư tập sự nêu trên là chính xác được giao trong quá trình tập sự tại Văn phòng.
Nay, nhận xét kết quả tập sự qua thời gian tập sự từ ngày ……………như sau:
1. Về năng lực chuyên môn:
Quá trình tập sự hành nghề Luật sư tại Văn phòng luật sư Tâm Đức, Luật sư tập sự là chị Nguyễn Thị Huế luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi nhận nhiệm vụ do lãnh đạo văn phòng và Luật sư hướng dẫn phân công.
Khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, luật sư tập sự đã nắm vững và thực hiện tốt những kỹ năng tư vấn, tiếp xúc kháh hàng cơ bản, thực hiện các thủ tục pháp lý được giao theo từng khâu của quá trình tố tụng khá tốt như nghiên cứu hồ sơ, đưa ra quan điểm cá nhân về vụ việc, vụ án nhanh chóng, nắm bắt được tư duy từ luật sư hướng dẫn, có tố chất và đam mê nghề nghiệp.
2. Về ý thức tổ chức kỷ luật:
Quá trình tập sự hành nghề Luật sư tại Văn phòng, luật sư tập sự là chị Nguyễn Thị Huế tuân thủ tốt các quy chế, nội quy văn phòng, thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư tập sự theo quy chế của Văn phòng đối với luật sư tập sự đầy đủ.
3. Về tư cách đạo đức:
Là người có tư cách, phẩm chất tốt, biết lắng nghe, ham học hỏi, biết nắm bắt tâm lý khách hàng, đồng cảm và động viên khách hàng trong quá trình tư vấn mang lại hiệu quả tư vấn cao.
4. Về ưu điểm:
– Là người ham học hỏi, nhanh nhẹn, có tinh thần cầu tiến, đam mê nghề nghiệp;
– Biết lắng nghe, đồng cảm, chia sẻ với khách hàng, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện công việc được giao và đạt hiệu quả xử lý công việc cao;
– Nhiệt tình với công việc được giao, quan tâm đồng nghiệp, tạo dựng môi trường công việc hòa đồng cùng giúp đỡ nhau tiến bộ, tạo môi trường làm việc lành mạnh;
– Tìm hiểu tỷ mỷ lĩnh vực cần tư vấn cho khách hàng, tìm hiểu lĩnh vực cũng như vụ việc, vụ án một cách tổng thể có tổ chức, đạt hiệu quả triển khai công việc cao;
5. Về khuyết điểm:
– Kiên nhẫn đối với khách hàng khó tính, nóng tính, cần khắc phục nhược điểm này.
6. Kết luận:
Căn cứ các quy định pháp luật về tập sự hành nghề luật sư, chúng tôi nhận xét người tập sự hành nghề luật sư là Bà: Nguyễn Thị Huế có đủ điều kiện tham gia kỳ thi kiểm tra kết quả hành nghề luật sư và đồng ý giới thiệu cho Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội xem xét làm thủ tục chấp thuận cho người tập sự hành nghề luật sư được tham gia kỳ thi kiểm tra kết quả hành nghề luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức lần thứ nhất năm 2014.
Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2014
Xác nhận VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TÂM ĐỨC Trưởng VPLS |
LUẬT SƯ HƯỚNG DẪN
|