Dịch vụ luật sư – Nên hay không việc hạn chế các “cụ” công chứng viên

17
Dịch vụ luật sư – Tại cuộc tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Công chứng mới đây, vấn đề độ tuổi hành nghề của công chứng viên (CCV) được rất nhiều đại biểu quan tâm vì thực tế có những CCV được bổ nhiệm khi đã ở độ tuổi thất thập.

Công chứng viên bao tuổi thì dừng hành nghề ?

Theo dự thảo của Nghị định, CCV phải có đủ sức khỏe đề hành nghề công chứng và không quá 65 tuổi khi đề nghị bổ nhiệm. Một số đại biểu băn khoăn là “thế nào là đủ sức khỏe” và nếu bổ nhiệm khi không quá 65 tuổi thì được họ được hành nghề đến lúc nào? Thực tế cho thấy, việc đủ sức khỏe nếu chỉ căn cứ vào giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế cấp tỉnh thì khó chuẩn xác vì có nhiều người thị lực chỉ còn 3/10 nhưng có thể dễ dàng xin xác nhận là 10/10.

Và việc “giải mã” vấn đề này không phải đơn giản trong khi đó luật chỉ quy định hạn chế độ tuổi với công chức chứ không áp với người lao động tự do. Ông Phạm Thanh Cao – Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) đưa ra minh chứng cụ thể về trường hợp tái bổ nhiệm mới đây của Hà Nội, có vị đã 77 tuổi, có vị bị khoèo chân.

Ông Bùi Đình Hiện – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng cho rằng, khi đã quy định là đủ sức khỏe mới được hành nghề liệu có cần hạn chế độ tuổi nữa hay không. Ở các nước khác, những người làm tư pháp dân sự kỳ cựu mới được làm CCV, ở nước ta những người không liên quan đến lĩnh vực dân sự vẫn được miễn đào tạo. Do đó, nên chăng chỉ cần có chứng nhận đủ sức khỏe vì nghề công chứng là nghề cần kinh nghiệm.

Theo Trưởng VPCC số 4 Hà Nội Đặng Mạnh Tiến, nên quy định tối đa 70 tuổi là nghỉ để khuyến khích người trẻ, vì nhiều cụ bây giờ chỉ “ngó” qua rồi con cháu làm, có người bị tai biến không báo cáo thì cũng không ai biết. “Chúng ta cần có quy định về lộ trình kiểm tra sức khỏe, không thể làm CCV cho đến lúc chết”, ông Tiến nói.

Công chứng là một nghề đặc thù nhằm hạn chế các vi phạm pháp luật cũng như rủi ro pháp lý không phải là nghề kinh doanh. Do đó có một số ý kiến tại tọa đàm cho rằng, đối với một vụ việc thì trách nhiệm cuối cùng là trách nhiệm của CCV do đó phải quan tâm đến độ tuổi và hình thức chứ không phải là cứ là thanh tra viên, kiểm sát viên, luật sư, thẩm phán là có thể thành CCV. Nghề công chứng không phải là nơi tiếp nhận những người bị ngành khác “thải” ra.

CCV bị “quàng” hộ khẩu

Điều 6 dự thảo Nghị định quy định: CCV có quyền lựa chọn nơi hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và phải đăng ký hành nghề công chứng tại Sở Tư pháp nơi thường trú. Trường hợp thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì phải đăng ký hành nghề công chứng tại Sở Tư pháp nơi thường trú và đề nghị Bộ Tư pháp cấp lại thẻ CCV.

Các ý kiến tại tọa đàm đều thống nhất đề xuất không nên hạn chế phạm vi hành nghề của CCV như dự thảo, trong khi Luật Công chứng quy định CCV “được lựa chọn nơi để hành nghề công chứng” (trừ CCV của phòng công chứng). Một đại biểu cho rằng, việc “quàng” hộ khẩu vào hoạt động công chứng sẽ ngăn “dòng chảy” của CCV trong việc phát huy cống hiến cho xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, quy định như vậy không ổn vì CCV được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm thì việc bổ nhiệm này phải có giá trị trên toàn quốc. Tuy nhiên, điểm vướng của vấn đề này chính là Điều 37 của luật: CCV của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở”.

Thực tế hoạt động hành nghề công chứng của các CCV cũng đã cho thấy nhiều quy định của Luật chưa bao trùm cũng như dự liệu giải quyết các điểm “vướng” khiến CCV cũng như cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động này không biết xử lý thế nào. Do đó, dự thảo Nghị định hướng dẫn sẽ phải cân nhắc để đưa ra các quy định vừa không trái với luật vừa bảo đảm xử lý được nhiều vấn đề thực tế phát sinh.

Hương Nguyên
(Nguồn: NDĐT)
Công ty luật