I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Nghị định163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm;
Bộ luật dân sự 2005;
Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 6/6/2014 Hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Việc xử lý tài sản cần xem việc xử lý tài sản bảo đảm có thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm được quy định tại Điều 56 Nghị định163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm. Cụ thể:
“Điều 56. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
4. Các trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định”.
Đối với việc xử lý tài sản bảo đảm tổ chức tín dụng có quyền tự mình thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết khi mà hết thời gian ấn định được nêu trong thông báo mà tổ chức tín dụng đã thông báo cho bên giữ tài sản bảo đảm.
Theo quy định của pháp luật có thể thấy rằng tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý. Tuy nhiên, việc thu giữ tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng theo quy định, trình tự mà pháp luật đã quy định. Theo đó, tổ chức tín dụng hoặc cá nhân, tổ chức được tổ chức tín dụng ủy quyền việc thu giữ tài sản phải đảm bảo việc thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm (khoản 5 Điều 65 NĐ 163/2006/NĐ-CP). Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nêu trên đã được quy định cụ thể trong việc phối hợp thực hiện cùng bên thu giữ tài sản bảo đảm tại khoản 2 Điều 14 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 6/6/2014 Hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm:
“Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Công an và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi quản lý của mình tích cực phối hợp, hỗ trợ bên nhận bảo đảm thực hiện việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm”.
Bên cạnh đó, bên thu giữ tài sản bảo đảm phải thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời gian hợp lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên.
————————————————————————————————————
Phòng 216, Tòa nhà N3B, Đường Lê Văn Lương, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội.
—————— | LIÊN HỆ DỊCH VỤ: | 04 6261 2299 / 0936 129 229 | |
Gửi yêu cầu dịch vụ qua Email : | luatvietphu@gmail.com | ||
Hệ thống thông tin website : | https://dichvuluatsu.vn http://luatvietphu.com.vn |