Quyết định hình phạt trong Bộ luật hình sự

18

Ý nghĩa của việc quyết định hình phạt

Quyết định hình phạt được hiểu là việc Toà án lựa chọn một loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội1.

Quyết định hình phạt là một trong những giai đoạn cơ bản, một nội dung quan trọng của quá trình áp dụng luật hình sự. Hiến pháp năm 1992 và Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS) quy định, chỉ có Toà án mới có quyền quyết định hình phạt. Theo đó, Toà án nhân danh Nhà nước, căn cứ vào quy định của BLHS tuyên bố áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Điều này thể hiện sự lên án của Nhà nước đối với người phạm tội về việc thực hiện tội phạm.

Quyết định hình phạt có vai trò vô cùng to lớn, bởi suy cho cùng, các hoạt động tố tụng hình sự trước đó (từ khởi tố, điều tra, truy tố, kể cả việc tranh tụng tại phiên toà) sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu Toà án không làm tốt việc quyết định hình phạt. Quyết định hình phạt đúng pháp luật, công bằng và hợp lý là tiền đề, điều kiện để đạt mục đích hình phạt (cải tạo, giáo dục, phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng). Nếu hình phạt quá nhẹ sẽ làm giảm ý nghĩa phòng ngừa của hình phạt, bởi nó có thể làm phát sinh ý định phạm tội, thái độ vô trách nhiệm và coi thường pháp luật. Nhưng hình phạt quá nặng sẽ tạo tâm lý không công bằng, không hợp lý ở người bị kết án dẫn đến thái độ oán hận, không tin tưởng pháp luật. Hình phạt có đạt mục đích hay không và đến mức độ nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất là yếu tố lập pháp và áp dụng pháp luật (về hình phạt và quyết định hình phạt). Yếu tố áp dụng pháp luật chịu sự ràng buộc của yếu tố lập pháp. Ngược lại, yếu tố áp dụng pháp luật cũng có vai trò rất quan trọng, bởi vì chỉ trên cơ sở nhận thức và vận dụng đúng đắn pháp luật cho từng trường hợp phạm tội cụ thể thì Toà án mới có thể cho ra đời một bản án tuyên hình phạt đúng đắn và có hiệu quả, khi đó, các yếu tố về mặt lập pháp mới có ý nghĩa thực tiễn.

Khi quyết định hình phạt, Toà án phải tuân thủ các nguyên tắc quyết định hình phạt và các căn cứ quyết định hình phạt. Những nguyên tắc này không được quy định cụ thể trong BLHS. BLHS chỉ đề cập các căn cứ quyết định hình phạt tại Điều 45 BLHS là; 1) Các quy định của BLHS; 2) Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; 3) Nhân thân người phạm tội và (4) Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Như vậy, căn cứ quyết định hình phạt đầu tiên là các quy định của BLHS, nhất là phần liên quan trực tiếp đến quyết định hình phạt. Nhìn chung, các quy định của BLHS liên quan đến quyết định hình phạt đã khá hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để Toà án quyết định hình phạt đúng pháp luật, công bằng và đúng đắn. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định về tổng hợp hình phạt của BLHS, chúng tôi thấy có một số vướng mắc. Điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng của bản án hình sự nói chung và hiệu quả của hình phạt nói riêng. Hai trường hợp dưới đây là sự minh họa rõ ràng.

Thứ nhất, tổng hợp thời gian thử thách của án treo

Ví dụ vụ án: Ngày 10/4/2002, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang đã tuyên phạt Tài ba năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là ba năm về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 27/6/2002, TAND thành phố Long Xuyên tuyên phạt Tài hai năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là hai năm về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (mặc dù bị xét xử sau nhưng tội phạm này được thực hiện trước khi có bản án ngày 10/4/2002). Trong Bản án số 38/HSST (ngày 27/6/2002), TAND thành phố Long Xuyên đã tổng hợp hai bản án treo và buộc Tài phải chấp hành bản án treo (với mức phạt tù là năm năm) và thời gian thử thách là năm năm.

Ngày 24/01/2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm Bản án số 38/HSST và yêu cầu TAND tỉnh An Giang sửa một phần bản án sơ thẩm với nội dung buộc Tài phải chịu mức phạt tù là ba năm nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là năm năm (áp dụng điểm a, Khoản 1, Điều 50; Khoản 2, Điều 51; Khoản 1, Điều 60 của BLHS).

Trong vụ án này, căn cứ theo BLHS hiện hành, việc ngày 27/6/2002, TAND thành phố Long Xuyên tiếp tục cho Tài được hưởng án treo là đúng pháp luật vì Tài không vi phạm căn cứ được hưởng án treo. Theo Nghị quyết số 01-HĐTP (18/10/1990) hướng dẫn về việc áp dụng Điều 44 BLHS năm 1985 hướng dẫn căn cứ cho hưởng án treo về nhân thân như sau:

“- Đối với người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội hoặc có nhiều bản án mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá 5 năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo, nhưng phải xét thật chặt chẽ.

– Nói chung người được hưởng án treo phải là người chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của bản thân, chưa có tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, đối với người có tiền án, tiền sự, nếu xét tính chất của tiền án, tiền sự đó cùng với tính chất của tội phạm mới thực hiện và các căn cứ khác thấy không cần thiết phải bắt họ chấp hành hình phạt tù, thì cũng có thể cho họ được hưởng án treo, nhưng tinh thần chung là hạn chế và phải xét thật chặt chẽ”.

Như vậy, việc cho hưởng án treo của TAND thành phố Long Xuyên là không trái quy định của pháp luật hiện hành và tinh thần Nghị quyết số 01 hướng dẫn về căn cứ cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, với cách làm của TAND thành phố Long Xuyên là tổng hợp hình phạt của hai bản án treo và tổng hợp thời gian thử thách của hai bản án này để buộc Tài phải chịu thử thách năm năm là không đúng. Đồng thời, yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang rằng cần sửa một phần bản án sơ thẩm với nội dung buộc Tài phải chịu mức phạt tù là ba năm nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là năm năm (chỉ cộng thời gian thử thách) cũng không chính xác.

Trong vụ án trên, thời gian thử thách của hai bản án này không thể được tổng hợp, mức hình phạt tù của hai bản án này lại càng không được tổng hợp. Vì Khoản 5, Điều 60 BLHS quy định: “Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”. Điều 51 BLHS lại chỉ quy định việc tổng hợp hình phạt mà không đề cập việc tổng hợp thời gian thử thách của án treo. Thêm nữa, Điều 60 của BLHS cũng không quy định việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo mà bị xét xử về một tội phạm được thực hiện trước khi có bản án treo đó (hoặc trước khi bắt đầu tính thời gian thử thách của bản án treo đó).

Vì vậy, theo nguyên tắc pháp chế, căn cứ vào các quy định của BLHS, hai bản án treo này vẫn được giữ nguyên chứ không được tổng hợp. Hai bản án treo trong trường hợp này sẽ được áp dụng song song cho người phạm tội bằng cách, người phạm tội chịu cùng một lúc hai thời gian thử thách. Tài chỉ cần qua thời gian thử thách là ba năm trừ đi thời gian thử thách mà Tài đã trải qua (hơn hai tháng) cho cả hai bản án treo (vì bản án treo thứ nhất với thời gian thử thách ba năm và đã qua hơn hai tháng; bản án treo thứ hai là hai năm).

Việc áp dụng nói trên cho thấy, quy định của BLHS là không công bằng, không phù hợp với nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt. Người phạm nhiều tội cần chịu biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn so với người phạm một tội tương ứng với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của họ. Các nguyên tắc này đã được đảm bảo trong quy định của Điều 51 về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án trong trường hợp một người đang chấp hành hình phạt mà bị xét xử về một tội phạm trước khi có bản án đó. Theo Khoản 1, Điều 51 của BLHS thì “trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Toà án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung”.

Như vậy, để đảm bảo nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và nguyên tắc cá thể hoá hình phạt, tạo căn cứ pháp lý để Toà án cho hưởng án treo một cách có hiệu quả, Điều 60 nên được bổ sung theo hướng quy định việc tổng hợp thời gian thử thách của hai bản án treo trong trường hợp người đang được hưởng án treo mà được hưởng án treo về một tội phạm được thực hiện trước khi tính thời gian thử thách của bản án treo đó. Mức tối đa của thời gian thử thách trong tổng hợp thời gian thử thách là năm năm, bằng mức tối đa của quy định về mức tối đa của thời gian thử thách của án treo. Nó cũng là thời gian đủ để người phạm tội ăn năn, hối cải. Vì vậy, theo chúng tôi, Điều 60 của BLHS nên được bổ sung khoản 6 với nội dung như sau:

“6. Đối với người được hưởng án treo mà lại được hưởng án treo về một tội phạm được thực hiện trước khi tính thời gian thử thách của bản án treo đó, Toà án quyết định tổng hợp thời gian thử thách của bản án treo trước và bản án treo sau. Mức thử thách chung không quá thời gian được quy định tại khoản 1 Điều này”.

Thứ hai, tổng hợp hình phạt trong trường hợp người phạm tội chưa thành niên

Ví dụ vụ án: Ngày 26/9/2004, Trần Ngọc Long (sinh ngày 15/6/1989) đi cùng nhóm bạn vào uống cà phê khu cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh). Long có mang theo 26 triệu đồng để trong yên xe máy. Khi về nhà, Long phát hiện tiền đã bị kẻ trộm mở khoá yên lấy mất. Ngày hôm sau, qua nguồn tin riêng, Long biết được thủ phạm vụ trộm là Kỳ và Nhân. Tuy nhiên, Long không đi trình báo cơ quan công an mà tự mình tìm đến khống chế bắt Nhân chở về nhà mình. Sau đó, Long hỏi Nhân có lấy tiền của mình không để buộc Nhân trả lại. Tuy nhiên, Nhân không nhận đã lấy tiền của Long. Tức giận, Long lấy dao đâm chết Nhân rồi bỏ trốn.

Ngày 21/9/2006, vì mẹ của Khả Vy (15 tuổi) thiếu tiền Long (Long cho vay) nên Long ép Vy phải về chỗ ở của mình. Tại nơi ở của mình, Long cưỡng ép Vy phải giao cấu với mình để trừ nợ cho mẹ. Vì sợ Long đòi nợ mẹ nên Vy đồng ý giao cấu với Long.

Ngày 13/6/2008, Long uống rượu say, đánh một người đi đường gây thương tích 15% và bị bắt.

Trong vụ án này, Long phạm tổng cộng là ba tội, trong đó, tội nặng nhất là Tội giết người được thực hiện lúc Long trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Căn cứ pháp lý để giải quyết là Điều 75 của BLHS. Điều luật này quy định:

“Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:

  1. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 của Bộ luật này;
  2. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội”.

Áp dụng quy định này, có hai quan điểm giải quyết vụ án trên như sau:

Theo quan điểm thứ nhất, do tội phạm nặng nhất được Long thực hiện lúc chưa đủ 18 tuổi, nên hình phạt cao nhất sau khi tổng hợp cho Long không được vượt quá 18 năm tù (mức hình phạt cao nhất được quy định tại Điều 74 của BLHS).

Quan điểm thứ hai cho rằng, mức hình phạt cao nhất của Long sau khi tổng hợp không quá 12 năm tù. Bởi vì, theo Điều 74 của BLHS, có hai nhóm tuổi: đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, hình phạt cao nhất là 12 năm tù; đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, hình phạt cao nhất là 18 năm tù. Do vậy, khi tổng hợp hình phạt, giới hạn mức cao nhất cũng phải tính theo quy định này. Tức là phải chia thành hai nhóm để xem xét tội nặng nhất được thực hiện trong giai đoạn nào (độ tuổi) mà xác định mức hình phạt cao nhất.

Chúng tôi ủng hộ quan điểm thứ hai vì nó dựa trên nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt. Không thể đồng nhất việc người phạm tội nặng nhất trong giai đoạn từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và phạm tội nặng nhất trong giai đoạn từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Vì thế, để thống nhất trong xử lý những trường hợp này, Khoản 1 Điều 75 của BLHS nên được sửa đổi thành:

“1. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không được vượt quá 12 năm tù, nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung không được vượt quá 18 năm tù”.

(1) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (tập 1), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 255; Võ Khánh Vinh, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần chung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 399; Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Tội phạm học, Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị quốc  gia, Hà Nội, 1994, tr. 219.

(2) Mặc dù Nghị quyết số 01-HĐTP hướng dẫn Điều 44 BLHS năm 1985 nhưng cho đến nay, chưa có văn bản nào khác hướng dẫn nội dung này trong BLHS hiện hành, nên nó vẫn có giá trị tham khảo.