Hiện nay mỗi đoàn luật sư xử lý kỷ luật thành viên vi phạm theo một cách riêng, dẫn tới việc cùng một mức độ vi phạm, nơi thì nhẹ tay, nơi lại “trảm” nặng.
Vì vậy, việc Liên đoàn Luật sư xây dựng quy định về chuyện này để áp dụng thống nhất đã được giới luật sư đánh giá rất cao…
Ngày 6-12, dưới sự tài trợ của Chương trình đối tác tư pháp (JPP), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm đóng góp ý kiến cho dự thảo lần thứ ba quy định về xử lý kỷ luật luật sư áp dụng thống nhất cho các đoàn luật sư. Dự thảo lần này có bốn chương với 27 điều, quy định trình tự, hình thức, thủ tục xử lý kỷ luật đối với hoạt động xử lý kỷ luật luật sư.
Nhẹ thì khiển trách, nặng là xóa tên
Chương I của dự thảo quy định về những vấn đề chung như phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc xử lý, thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật… Việc áp dụng hình thức kỷ luật được dự thảo quy định tại Chương II. Theo đó, luật sư có hành vi vi phạm kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên từ sáu tháng đến 24 tháng, xóa tên khỏi danh sách luật sư.
Khiển trách được áp dụng trong trường hợp luật sư vi phạm lần đầu, chưa gây thiệt hại cho khách hàng, chưa gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của giới luật sư.
Cảnh cáo được áp dụng với những luật sư đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, gây thiệt hại cho khách hàng dù đã khắc phục thiệt hại, không chấp hành sự phân công thực hiện bào chữa chỉ định, vi phạm nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, chưa gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của giới luật sư.
Tạm đình chỉ tư cách thành viên từ sáu đến 24 tháng được áp dụng khi luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây mất uy tín của giới luật sư; gây thiệt hại cho khách hàng mà chưa khắc phục hậu quả, gây hậu quả nghiêm trọng.
Hình thức kỷ luật cao nhất xóa tên khỏi danh sách luật sư của đoàn luật sư được áp dụng khi luật sư có hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều 37 Điều lệ Liên đoàn Luật sư. Chẳng hạn như bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư; bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Liên đoàn Luật sư, Điều lệ Đoàn luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư…
Thời gian xử lý: Hơn ba tháng
Về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật luật sư, dự thảo đã quy định thành chín điều trong phạm vi Chương III. Theo dự thảo, thời gian để xử lý kỷ luật một luật sư có thể kéo dài hơn ba tháng.
Cụ thể, sau khi ban chủ nhiệm nhận thấy có dấu hiệu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thông qua tố cáo, khiếu nại hoặc phát hiện vi phạm thì chuyển hồ sơ sang hội đồng khen thưởng, kỷ luật để xác minh giải quyết vụ việc. Không quá năm ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, hội đồng khen thưởng, kỷ luật phải thông báo cho luật sư bị kỷ luật biết.
Luật sư bị kỷ luật phải có văn bản tường trình vụ việc không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Sau khi nhận được tường trình của luật sư hoặc hết thời hạn mà luật sư không có ý kiến thì không quá 20 ngày sau, hội đồng khen thưởng, kỷ luật phải tổ chức phiên họp xét kỷ luật. Nếu trong phiên họp lần đầu mà luật sư vắng mặt có lý do chính đáng, thì trong thời hạn không quá 15 ngày sau phải mở phiên họp lần thứ hai. Việc biểu quyết hình thức kỷ luật được thực hiện qua hình thức biểu quyết bằng cách bỏ phiếu kín hoặc giơ tay.
Sau phiên họp xét kỷ luật không quá năm ngày, hội đồng khen thưởng, kỷ luật phải có văn bản đề xuất phương án xử lý kỷ luật gửi ban chủ nhiệm đoàn luật sư. Trong thời hạn 30 ngày, ban chủ nhiệm phải tổ chức cuộc họp xét kỷ luật và ra một trong các văn bản giải quyết vụ việc kỷ luật như sau: quyết định kỷ luật; miễn trách nhiệm kỷ luật (nêu rõ lý do); văn bản kết luận không có hành vi vi phạm.