Tham luận Luật luật sư sau 05 năm thực hiện: “Khó khăn, vướng mắc trong quá trình hành nghề”

28

(Công ty luật với hoạt động đoàn luật sư)

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Những điểm tích cực

Luật Luật sư đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 22/6/2006 thay thế Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TƯ ngày 02/6/2006 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đã vạch ra định hướng chiến lược phát triển nghề luật sư ở Việt nam là phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn; hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà; tăng cường vai trò tự quản, trách nhiệm của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư trong quản lý luật sư và hành nghề luật sư. Sự ra đời của Luật Luật sư, luật của một tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất ở Việt Nam cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với nghề luật sư, là cơ sở thuận lợi đồng thời cũng đặt ra cho các luật sư và tổ chức luật sư những nhiệm vụ rất nặng nề.
Nhìn lại sau 5 năm thi hành Luật Luật sư, đội ngũ luật sư ở Việt Nam đã phát triển rất nhanh về số lượng. Hiện nay cả nước đã có 62/63 tỉnh thành có Đoàn luật sư. Số lượng 7000 luật sư và hơn 3000 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong gần 3000 tổ chức hành nghề luật sư đã chứng tỏ sự phát triển nhanh chóng về số lượng của đội ngũ luật sư. Hoạt động của luật sư sau khi Luật Luật sư được ban hành có những bước chuyển biến rõ rệt, dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác chất lượng luật sư cũng dần được nâng lên.
Tham gia tố tụng là lĩnh vực hành nghề chủ yếu của các luật sư Việt Nam hiện (70%) . Trong thời gian qua, các luật sư đã tham gia giải quyết hàng trăm nghìn vụ án. Vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng đã có những bước phát triển về chất. Việc tham gia tố tụng của các luật sư không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tránh làm oan sai, quyền cơ bản của con người bị xâm phạm.
Tư vấn pháp luật là lĩnh vực hành nghề quan trọng của luật sư trong thời kỳ hội nhập quốc tế, giúp đỡ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, quan hệ thương mại hàng hoá có yếu tố nước ngoài, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh các hoạt động nói trên, các luật sư Việt Nam còn tham gia tích cực vào hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách. Việc tham gia vào hoạt động này không chỉ mang tính chất tự nguyện của luật sư đối với xã hội mà còn là trách nhiệm của đội ngũ luật sư theo quy định của Luật Luật sư.
Sau 5 năm thực hiện Luật Luật sư, chúng ta đã đặt ra mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển nghề luật sư là từng bước xây dựng nghề luật sư thành một nghề với đội ngũ luật sư, tổ chức luật sư chuyên nghiệp, bảo đảm chất lượng dịch vụ pháp lý cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ, công bằng, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước. Liên đoàn luật sư ra đời có vị trí rất đặc biệt trong quá trình xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam. Với vai trò là tổ chức xã hội – nghề nghiệp thống nhất của luật sư trong cả nước có chức năng “đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, thực hiện chế độ tự quản của tổ chức luật sư nhằm xây dựng giá trị chuẩn mực của luật sư Việt Nam, phát triển đội ngũ luật sư có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam…”,
2. Những hạn chế
a) Ngoài những thành quả to lớn mà Luật Luật sư đem lại cho giới luật sư Việt Nam thì bên cạnh đó vẫn còn có những hạn chế nhất định, những quy định của luật đã không còn phù hợp với sự phát triển nhanh, mạnh của nền kinh tế đất nước cũng như có những điều luật không phù hợp với những quy định của các ngành luật khác có liên quan hoặc những quy định cần thiết để điều chỉnh hoạt động của luật sư thì luật không quy định.

b) Luật Luật sư ra đời tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư ở Việt Nam tăng nhanh chóng nhưng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra là phát triển đội ngũ luật sư vừa tăng về số lượng nhưng phải đảm bảo về chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp của nước ta. Tuy nhiên, nếu tính tỷ lệ bình quân tỷ lệ luật sư trên số dân của Việt Nam hiện nay nước ta mới có 7000 luật sư/86 triệu dân, tương đương 01 luật sư/12.000 người dân. Tỷ lệ này so với một số nước trong khu vực và trên thế giới thì số lượng luật sư của chúng ta còn rất thấp. Hơn nữa, do sự phát triển không đồng đều nên số lượng luật sư chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ luật sư ở các địa phương là rất khác nhau. Vì vậy, Luật Luật sư cần sửa đổi để tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư không những phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng nhưng đồng thời cũng phải tạo cơ chế khuyến khích đội ngũ luật sư ở các tỉnh miền núi phát triển theo kịp các tỉnh đồng bằng. Luật sư ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh phải có nghĩa vụ tăng cường cho các tỉnh còn thiếu luật sư. Đặc biệt các luật sư thuộc người của các tỉnh đang thiếu luật sư thì họ phải bắt buộc hoạt động hành nghề một số năm ở các tỉnh miền núi ở quê họ rồi mới được gia nhập là thành viên ở các tỉnh thành phố lớn đã có đông luật sư.
c) Số lượng luật sư ở nước ta hiện nay, tỷ lệ tham gia tranh tụng chiếm tới 70%, tuy nhiên, thực tế số vụ án hình sự có luật sư tham gia mới chỉ chiếm khoảng từ 12 đến 20%, số luật sư được tham gia vào các vụ án từ giai đoạn điều tra còn thấp hơn nhiều chỉ khiếm khoảng dưới 10%. Các vụ án luật sư tham gia từ khi có quyết định tạm giữ thì hầu như không có luật sư được tham gia. Sở dĩ có thực trạng này một mặt do những quy định của pháp luật còn bất cập, từ Luật Luật sư cho đến Bộ luật TTHS, Luật tổ chức các cơ quan tố tụng cũng như các hướng dẫn thi hành còn tạo ra quá nhiều thủ tục, rào cản hạn chế luật sư tham gia tố tụng từ giai đoạn này. Mặt khác luật cũng không có chế tài xử lý đối với những người vi phạm, cản trở hoạt động của luật sư nên tình trạng vi phạm quyền của luật sư khi tham gia tố tụng còn phổ biến, điều này tất yếu làm ảnh hưởng đến nguyên tắc tranh tụng, quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án.
d) Chất lượng của đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế. Gần một nửa số luật sư hiện nay chưa được đào tạo một cách bài bản về kỹ năng hành nghề. Hiệu quả tham gia tố tụng của luật sư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp. Các luật sư vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến quá trình bào chữa, tranh luận, đưa ra yêu cầu, kiến nghị tại phiên toà. Một số luật sư còn có thái độ ứng xử nghề nghiệp chưa đúng mực trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và luật sư đồng nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ luật sư.
e) Về mức độ chuyên môn hoá trong hành nghề, đa số luật sư ở nước ta hành nghề trong tất cả các lĩnh vực tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác. Tuy số lượng luật sư ở nước ta trong những năm gần đây tăng lên đáng kể, song vẫn chưa hình thành được đội ngũ các luật sư chuyên sâu về tranh tụng hoặc tư vấn. Các luật sư chủ yếu hành nghề trong hai lĩnh vực dân sự và hình sự. Trong các lĩnh vực pháp luật khác như hành chính, lao động, kinh tế…tỷ lệ vụ việc mà các luật sư tham gia rất thấp.
Đội ngũ luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại (sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, hàng không, hàng hải, bảo hiểm, thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế…) còn đang trong quá trình hình thành. Do vậy, trong thời gian qua, đối với phần lớn các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, các cơ quan, tổ chức của Việt Nam vẫn phải thuê luật sư nước ngoài làm đại diện, tư vấn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình tốn hàng triệu USD mỗi vụ.
g) Đa số luật sư Việt Nam hiện nay tuân thủ các quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư và các quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức và hành nghề luật sư. Tuy nhiên, việc tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật hành nghề luật sư vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ, chưa trở thành ý thức tự giác đối với mỗi cá nhân luật sư trong hành nghề và trong cuộc sống. Trên thực tế, vẫn còn một số luật sư quá coi trọng lợi ích vật chất dẫn đến vi phạm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, thậm chí còn có vài luật sư vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Nguyên nhân và giải pháp
Những hạn chế nêu trên nguyên nhân chủ yếu là do quy dịnh của Luật còn bất cập và chưa đầy đủ và cụ thể như sau:

a)    Quy định về điều kiện và tiêu chuẩn trở thành luật sư chưa phù hợp. Về phân bổ thời gian đào tạo và thời gian tập sự không họp lý. Thời gian đào tạo 6 tháng là ngắn so với các chức danh khác và thời gian tập sự lại quá dài và không có quy định cụ thể tiêu chí tập sự nên tình trạng “đánh trống ghi tên” để tập sự và “đến hẹn lại lên” để tham gia kỳ thi sát hạch còn phổ biến;

b)    Quy định về đối tượng và thời gian miễn giảm đào tạo và tập sự hành nghề luật sư cũng không phù hợp, trong khi luật không quy định các đối tượng này phải bồi dưỡng bắt buộc khi mới chuyển sang nghề luật sư thế nào và đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc thường niên chung cho giới luật sư mỗi năm thời lượng bao nhiêu giờ. Vì vậy, kiến thức và kinh nghiệm của luật sư không được cập nhật và chia xẻ giữa các luật sư giỏi, nhiều kinh nghiệm với nhau nên chất lượng luật sư ngày càng hạn chế trong những năm qua;

c)     Quy định về quyền và nghĩa vụ của người tập sự hành nghề luật sư và luật sư hướng dẫn cũng chưa cụ thể, vì vậy việc gửi báo cáo kết quả tập sự hành nghề luật sư, người tập sự hành nghề luật sư chỉ liệt kê mấy việc, có xác nhận của luật sư chính thức và dóng dấu xác nhận của tổ chức hành nghề luật sư chỉ là hình thức. Quá trình 18 tháng tập sự, các cơ quan quản lý, người có trách nhiệm không được báo cáo hàng quý, hàng năm để nắm bắt thực chất kết quả tập sự nên chất lượng luật sư sau khi được cấp chứng chỉ và hành nghề quá thấp;

d)    Quy định điều kiện mở Văn phòng luật sư, Công ty luật còn quá đơn giản, dễ dãi nên các loại hình tổ chức hành nghề này được mở ồ ạt, tràn lan nhưng với quy mô nhỏ, manh mún. Tỷ lệ Tổ chức hành nghề luật sư chỉ có 1 đến 2 luật sư chiếm đến 70% và chủ yếu trụ sở ở nhà riêng, trong nghõ ngách, chật hẹp. Luật cần quy định điều kiện mở Tổ chức hành nghề luật sư riêng đối với luật sư  sau khi được cấp chứng chỉ phải có thời gian hành nghề về lĩnh vực chuyên sâu ở tố chức hành nghề mình hoạt động ít nhất 3 năm và phải có quy định về tiêu chí trụ sở của Tổ chức hành nghề luật sư;

e)    Hình thức hành nghề luật sư cá nhân tự do không làm việc theo hợp đồng trong cơ quan tổ chức (như người bán hàng rong) nên không phát huy tác dụng và nâng cao vị thế của luật sư. Mặt khác luật quy định, Đoàn luật sư là tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư không có chức năng hành nghề nhưng Đoàn luật sư vẫn phải ký giấy giới thiệu cho luật sư hành nghề cá nhân mỗi khi tham gia tranh tụng là mâu thuẫn, trái với chính quy định nội tại của luật;

f)    Quy định về hình thức tổ chức hành nghề và về trách nhiệm vật chất của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phải rõ rằng là vô hạn hay hữu hạn. Đối với tổ chức là hình thức công ty luật TNHH thì trách nhiệm vật chất hữu hạn ở chỗ nào khi luật quy định tổ chức này không bắt buộc phải có vốn pháp định.

g)    Quy định về thủ tục luật sư tham gia tố tụng còn rườm rà, không phù hợp với tinh thần cải cách hành chính của nhà nước ta. Cần xóa bỏ “rào cản” luật sư tham gia tố tụng là thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự tại Điều 27 Luật Luật sư;

h)    Hoạt động của luật sư là bảo vệ quyền cơ bản của con người được Hiến pháp quy định, giúp cho Cơ quan THTT giải quyết vụ án đúng pháp luật. Tuy nhiên trong các vụ án hình sự, Đối tượng quan trọng được luật sư bảo vệ  là các người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đang bị tạm giam. Những đối tượng này trong trại giam tinh thần không ổn định, tâm lý hoang mang, lo sợ nên việc khai báo không chính xác. Vì vậy, tình trạng oan sai thường xảy ra đối với các đối tượng này. Trách nhiệm của luật sư là bào chữa, bảo vệ cho họ để góp phần bảo vệ công lý. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, việc luật sư được tham gia vào quá trình điều tra đã khó, còn việc luật sư được gặp bị can còn khó hơn. Việc luật sư được gặp riêng bị can không bao giờ xảy ra ở giai đoạn điều tra nên luật sư không được nghe họ trình bày, đưa ra đề suất, yêu cầu luật sư giúp đỡ cái gì, minh oan hay bào chữa giảm nhẹ nên các giai đoạn này luật sư tham gia bào chữa nhưng do không được nghiên cứu hồ sơ (Điều 58 Bộ luật TTHS quy định luật sư chỉ được nghiên cứu hồ sơ sau khi kết thúc điều tra) và luật sư lại không được gặp riêng, tiếp xúc với bị can để nắm bắt bản chất sự việc cũng như nghe đề xuất, yêu cầu của họ nên luật sư không thể có định hướng bào chữa cho thân chủ. Do đó Luật Luật sư cần bổ sung quy định quyền của luật sư phải được gặp riêng người bị tạm giữ, bị can, bị cáo ngay khi họ hoặc người thân thích của họ yêu cầu luật sư bào chữa cho họ. Nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được phân công thụ lý vụ án phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho luật sư thực hiện các quyền của mình và phải có điều luật  quy định cụ thể nghiêm cấm cá nhân, cơ quan, tổ chức cản trở hoạt động của luật sư.

i)    Việc quán triệt tư tưởng, giám sát luật sư: Trong thời gian qua, đa số các tổ chức hành nghề luật sư đã làm tốt công tác tư tưởng, giám sát luật sư trong việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư nhưng chỉ là tự phát do họ lo ngại việc ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của tổ chức mình. Tuy nhiên, một số tổ chức hành nghề luật sư chưa thực sự quan tâm đến công việc này, đồng thời có biểu hiện lỏng lẻo trong việc quản lý các luật sư của tổ chức mình, để xảy ra hiện tượng luật sư vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp mà tổ chức không biết hoặc bỏ qua. Do luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ khâu kiểm tra, giám sát và báo cáo định kỳ của tổ chức hành nghề luật sư và các chi nhánh, văn phòng giao dịch của luật sư. Đặc biệt về chế tài xử lý vi phạm ở các lỗi vi phạm này còn chưa cụ thể và không nghiêm.

l) vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên do luật không quy định bắt buộc nên hiện nay vẫn còn có nhiều luật sư tinh thần học hỏi, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ kém, bảo thủ, dấu dốt và còn mang nặng tư tưởng đố kỵ “ta cũng là luật sư việc gì phải đi học, đi nghe các vị luật sư khác nói”… Một số luật sư chưa thực sự quan tâm và có ý thức tuân thủ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Vì vậy có nhiều luật sư chưa ý thức được trách nhiệm cũng như hậu quả của việc mình vi phạm.

n) Về chất lượng đội ngũ luật sư: Để năng cao chất lượng đội ngũ luật sư nói chung và thực hiện chiến lược phát triển đội nghũ luật sư từ nay đến năm 2020 thì vấn đề bồi dưỡng thường niên về nghiệp vụ và đạo đức luật sư đã đến lúc luật cần quy định bắt buộc và những người không thực sự hoạt động nghề và không tham gia bồi dưỡng thường niên theo tiêu chí luật quy định thì cần có hình thức tạm đình chỉ hoạt động hoặc rút thẻ vĩnh viễn.

m) Người bào chữa chỉ là luật sư: Chính phủ đã có chiến lược phát triển đội nghũ luật sư đến năm 2020, và yêu cầu của xã hội đặt ra là cần phải có đội ngũ những người cung cấp dịch vụ pháp lý trong các lĩnh vực một cách bài bản, chuyên nghiệp. Đặc biệt người bào chữa trong các vụ án hình sự là liên quan đến quyền con người, sự oan sai trong hoạt động tố tụng và vấn đề trừng trị kẻ có tội nên đòi hỏi người bào chữa không những phải có tâm mà còn phải có năng lực trình độ được đào tạo cơ bản về kỹ năng nghề luật sư. Mặt khác hoạt động của họ phải có định chế pháp lý điều chỉnh và cơ quan, tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm mỗi khi họ vi phạm và bảo vệ họ mỗi khi quyền của họ không được tôn trọng hoặc bị xâm phạm. Do vậy người bào chữa cần quy về một loại người được Luật Luật sư điều chỉnh đó là luật sư. Bỏ các đối tượng khác như là bào chữa viên nhân dân và người khác là cá nhân như Bộ luật TTHS hiện hành quy định.

II. KIẾN NGHỊ CHUNG.
1. Chúng ta đã biết, sứ mệnh của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Hoạt động của luật sư có mối quan hệ gắn chặt với hoạt động tư pháp, hỗ trợ cho hoạt động tư pháp góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế đất nước. Hoạt động của luật sư còn là phương tiện hữu hiệu giúp cho cá nhân, tổ chức bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển tổ chức và đội ngũ luật sư, tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia sớm hơn, thực chất hơn vào quá trình giải quyết các vụ án, đặc biệt là trong việc tranh tụng tại phiên toà hình sự.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và của mỗi người dân về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội, góp phần tăng tính hấp dẫn của nghề luật sư, thu hút ngày càng đông đội ngũ cử nhân luật mới ra trường tham gia hành nghề luật sư.

3. Cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lương đào tạo nghề luật sư, nâng cao chất lượng tập sự hành nghề luật sư thông qua việc các Đoàn luật sư thực hiện nghiêm túc cơ chế giám sát người tập sự hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn, tổ chức hành nghề luật sư trong việc tuân theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư; tạo điều kiện thuận lợi để người tập sự được nghiên cứu, tiếp cận những kiến thức pháp luật mới, đồng thời tạo cơ hội cho người tập sự được trực tiếp tham gia hoạt động nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng hành nghề. Liên đoàn luật sư cần quan tâm đến việc hướng dẫn và giám sát việc thực hiện Quy chế tập sự hành nghề luật sư.

4. Nghề luật sư là một nghề đặc biệt trong xã hội, tổ chức luật sư là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất được Hiến pháp quy định và là tổ chức đầu tiên hiện nay có riêng luật điều chỉnh. Vì vậy luật sư trước hết phải nỗ nực phấn đấu khẳng định mình, luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp luật sư, có như vậy thái độ của xã hội mới nhìn nhận luật sư bằng con mắt thực sự tôn trọng, vai trò và vị thế của luật sư trong xã hội mới được nâng lên. Tuy nhiên, tổ chức luật sư là tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng hoạt động của luật sư mang tính chính chị sâu sắc. Một nhà nước có quân đội, công an, kiểm sát và tòa án để chấn áp tội phạm thì bên cạnh những cơ quan này phải có tổ chức luật sư nhằm bảo đảm sự bình đẳng, cân bằng giữa bên buộc tội và gỡ tội, bảo vệ quyền con người, tránh sự oan sai, góp phần bảo vệ công lý, sự dân chủ của xã hội văn minh XHCN. Do vậy Đảng và nhà nước cần có sự quan tâm đặc biệt và ưu tiên hơn đối với tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư là các Đoàn luật sư trong cả nước, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở đủ để tổ chức này tồn tại và hoạt động. quan tâm đặc biệt hơn nữa đối với các Đoàn luật sư lớn như Hà nội và TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho Đoàn luật sư Hà Nội sau 27 năm thành lập và phát triển với gần 3000 người bao gồm cả luật sư và người tập sự hành nghề luật sư nhưng vẫn chưa có một trụ sở xứng tầm với Đoàn luật sư thủ đô.

5. Từ khi Liên Đoàn luật sư Việt Nam ra đời đã phát huy được vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế và điều kiện, năng lực hoạt động hành nghề của luật sư. Tuy nhiên luật cần sửa đổi theo hướng gắn kết hơn giữa Liên đoàn luật sư với các Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư, tạo thành một tổ chức thống nhất, thực hiện vai trò tự quản kết hợp với quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến các địa phương;

6. Luật quy định rõ nhiệm vụ chức năng của tổ chức Liên đoàn luật sư và Đoàn luật sư, giữa vấn đề tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư với vai trò và phạm vi hoạt động quản lý nhà nước đối với tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư nhằm bảo đảm sự phối hợp vận hành có hiệu quả, quản lý chặt chẽ và hỗ trợ tối đa cho các luật sư trong hành nghề, đồng thời bảo đảm việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, xóa bỏ những rào cản từ khâu quản lý đến khâu hành nghề của luật sư.

7. Luật cần quy định Liên đoàn luật sư và các thành viên của mình chủ động, tích cực tham gia các hoạt động đóng góp cho sự nghiệp chung, tham gia quan trọng vào việc xây dựng và phổ viến tuyên truyền pháp luật cũng như công tác phản biện xã hội khác, có tiếng nói tích cực trong các sự kiện quan trọng của đất nước;

8. Cần quy định luật sư được đào tạo, bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, năng lực tổ chức, quản lý bằng nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước và sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm tạo điều kiện ngoài hoạt động hành nghề, luật sư còn được đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp chung xây dựng và quản lý đất nước./.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến
Phó Tổng thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam,
Phó Chủ nhiệm ĐLS TP. Hà Nội