Quy định hoãn phiên tòa tại thời điểm trước phiên tòa có ý nghĩa trong việc tiết kiệm thời gian và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tham gia hoạt động xét xử. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cần hướng xử lý mới để tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp không thể xét xử được theo đúng dự kiến nhưng vẫn phải mở phiên tòa chỉ để tuyên bố hoãn cho đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định.
Thời điểm ban hành quyết định hoãn phiên tòa
Khoản 3 Điều 233 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định: “Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai tại phiên tòa…”.
Như vậy, thời điểm ban hành quyết định hoãn phiên tòa diễn ra tại phiên tòa, tức là khi đã mở phiên tòa. Về vấn đề này, hiện có hai ý kiến khác nhau. Cụ thể:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định hiện hành đã phù hợp, hoãn phiên tòa cần được thực hiện tại phiên tòa sau khi mở phiên tòa xét xử.
Theo ý kiến này, trong quy định của BLTTDS năm 2015 không có điều luật nào cho phép Tòa án được hoãn phiên tòa trước khi mở phiên tòa và nội dung này trong pháp luật tố tụng dân sự cơ bản không có sự thay đổi qua các thời kỳ. Cụ thể, trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án dân sự năm 1989, Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án kinh tế năm 1994, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996 trước đây không quy định rõ, nhưng hướng xử lý là vẫn thực hiện hoãn sau khi đã mở phiên tòa. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 tại khoản 1 Điều 208 và sau đó là BLTTDS năm 2015 tại khoản 3 Điều 233 có bổ sung thêm cụm từ “tại phiên tòa” đã cho thấy rõ thời điểm quyết định hoãn phiên tòa phải được thực hiện ngay tại phiên tòa, sau khi đã mở phiên tòa để Hội đồng xét xử xem xét lý do và thấy rằng phiên tòa không thể tiếp tục nữa mới phải hoãn.
Mặt khác, nếu đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì kể từ thời điểm ban hành quyết định trở về sau sẽ tính là giai đoạn xét xử, mà theo những nguyên tắc cơ bản tại BLTTDS năm 2015 về việc Tòa án xét xử tập thể và bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì các vấn đề phát sinh sau đó sẽ phải do Hội đồng xét xử quyết định, kể cả việc hoãn phiên tòa.
Hoãn phiên tòa là một trong những quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên tòa nên cần phải được thực hiện tại phiên tòa. Về nguyên tắc, chỉ khi phiên toà được mở thì Toà án mới xác định chính xác được có căn cứ hoãn hay không; sau khi khai mạc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến những người tham gia tố tụng có mặt, sau đó Hội đồng xét xử thảo luận và quyết định hoãn phiên tòa. Có như vậy mới thể hiện việc ban hành quyết định hoãn phiên tòa là đảm bảo khách quan, đúng đắn.
Ngoài ra, quy định thời điểm hoãn phiên tòa được xác định xảy ra ở phần thủ tục bắt đầu phiên toà còn nhằm phân biệt với các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án, tạm ngừng phiên tòa1.
Ý kiến thứ hai cho rằng, thời điểm ban hành quyết định hoãn phiên tòa cần phải được sửa đổi theo hướng gồm cả trước và sau khi mở phiên tòa xét xử.
Đây cũng là ý kiến của tác giả. Với quy định của pháp luật hiện hành thì thời điểm ban hành quyết định hoãn phiên tòa theo ý kiến thứ nhất là đảm bảo về mặt nguyên tắc, đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục (nghĩa là chỉ ban hành quyết định hoãn phiên tòa sau khi mở phiên tòa).
Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, quy định hiện hành chưa dự liệu, bao quát được các tình huống thực tế có thể phát sinh. Có những trường hợp sau khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, đã xác định được ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa thì mới phát sinh căn cứ hoãn phiên tòa. Không ít trường hợp đến thời điểm quyết định đưa vụ án ra xét xử được gửi đi các nơi theo quy định thì mới phát sinh căn cứ buộc phải hoãn phiên tòa. Ví dụ: Trường hợp khởi kiện ra Tòa án yêu cầu B trả lại 20 triệu đồng tiền vay khi đã quá thời hạn là 05 tháng. Sau khi hòa giải vụ án không thành, Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử. Phiên tòa đã triệu tập lần thứ nhất nhưng B vắng mặt do đi nước ngoài công tác nên Tòa án phải hoãn phiên tòa 20 ngày. Hoặc trường hợp đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định của BLTTDS, đã được Tòa án tống đạt hợp lệ giấy triệu tập và đã chuẩn bị tham dự phiên tòa xét xử vụ án, nhưng do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan xảy ra ngay vào thời điểm trước ngày Tòa án mở phiên tòa hoặc ngay trên đường đến Tòa án để tham dự phiên tòa (như tai nạn giao thông phải nhập viện, ốm đột xuất phải điều trị,…) nên không thể có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp trong thực tiễn đương sự thông báo trước là sẽ không đến phiên toà vào ngày, giờ theo quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc theo giấy triệu tập; Hội thẩm nhân dân, Thẩm phán có việc đột xuất không tham gia xét xử được…
Theo tác giả, đối với các trường hợp trên và tương tự thì cần phải hoãn phiên tòa. Nếu không thể xét xử được theo đúng thời gian đã dự kiến mà Tòa án vẫn mở phiên tòa để ban hành quyết định hoãn phiên tòa thì không hợp lý và vô hình trung mang tính hình thức, lãng phí thời gian, công sức của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.
Chính vì quy định hiện hành không dự liệu và đề cập đến cách thức và hướng giải quyết của vấn đề ban hành quyết định hoãn trước khi mở phiên tòa nên khi có trường hợp phát sinh đều quy về cách giải quyết mở phiên tòa rồi mới ban hành quyết định hoãn.
Do đó, đây là một bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung vào BLTTDS năm 2015 để việc quyết định hoãn phiên tòa phù hợp, sát với thực tiễn hơn.
Thẩm quyền hoãn phiên tòa
Về thẩm quyền hoãn phiên tòa, khoản 1 Điều 233 BLTTDS năm 2015 quy định:
“Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, Điều 227, khoản 2 Điều 229, khoản 2 Điều 230, khoản 2 Điều 231 và Điều 241 của Bộ luật này”.
Vì thời điểm quyết định hoãn phiên tòa chỉ xảy ra khi đã mở phiên tòa và trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa nên thẩm quyền ban hành quyết định hoãn phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành chỉ thuộc về Hội đồng xét xử. Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam các thời kỳ đều quy định thẩm quyền hoãn phiên tòa sẽ do Hội đồng xét xử quyết định.
Thẩm quyền ban hành quyết định hoãn phiên tòa sẽ bị ảnh hưởng bởi việc xác định thời điểm quyết định hoãn phiên tòa, do đó cũng sẽ có hai ý kiến khác nhau: (1) Giữ nguyên thẩm quyền thuộc về Hội đồng xét xử; (2) Bổ sung thêm trường hợp trao quyền cho Thẩm phán được quyết định hoãn phiên tòa trong thời điểm trước khi mở phiên tòa.
Một số đề xuất, kiến nghị
Với những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn áp dụng như trên, tác giả đề xuất cần có sự sửa đổi, bổ sung các quy định về trường hợp hoãn trước khi mở phiên tòa như sau:
Một là, cần quy định cho phép Thẩm phán được phân công là chủ tọa phiên tòa tiến hành xem xét, quyết định việc ban hành quyết định hoãn phiên tòa trước thời điểm mở phiên tòa khi phát sinh một trong những điều kiện: (i) Thuộc trường hợp bắt buộc phải hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 227, khoản 2 Điều 296, khoản 3 Điều 477 BLTTDS năm 2015; (ii) Khi phát sinh sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến điều kiện, hoàn cảnh về cơ sở vật chất bị tác động hoặc ảnh hưởng đến việc đương sự vắng mặt lần thứ nhất làm phiên tòa chắc chắn không thể mở theo đúng thời gian đã dự kiến.
Hai là, từ việc kiến nghị như trên, theo tác giả cần điều chỉnh, sửa đổi các quy định tại khoản 2 Điều 203; khoản 1, 3 Điều 233; khoản 2 Điều 235; khoản 1 Điều 286 BLTTDS năm 2015 theo hướng thủ tục hoãn phiên tòa sẽ không chỉ do Hội đồng xét xử thực hiện tại phiên tòa mà còn thêm trường hợp là trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Thẩm phán được quyết định hoãn sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Ba là, để tránh việc hoãn phiên tòa tùy tiện, theo tác giả nên quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục để các bên nộp đơn yêu cầu và thông báo cho các bên liên quan như: (i) Đơn thông báo vắng mặt phải gửi cho Tòa án trước thời điểm mở phiên tòa ít nhất 02 ngày làm việc; (ii) Nội dung đơn thông báo phải nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ chứng minh dẫn đến việc vắng mặt; (iii) Việc xem xét ban hành quyết định hoãn phiên tòa trước thời điểm mở phiên tòa chỉ áp dụng đối với phiên tòa không bị hoãn quá 05 lần; (iv) Việc hoãn phiên tòa trước khi mở phiên tòa sẽ được thông báo trước cho những người tham gia tố tụng bằng phương tiện thông tin truyền thông và sau 03 ngày làm việc, kể từ khi quyết định hoãn phiên tòa được ban hành, phải thông báo công khai và gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng./.