Một công dân CHLB Nga sang Việt Nam du lịch, thuê xe ô tô tự lái và gây tai nạn tại TP Phan Thiết làm chết một người; Tòa án cấp Sơ thẩm phạt bị cáo 18 tháng tù giam về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, Tòa án cấp Phúc thẩm đã tuyên “Trục xuất” đối với bị cáo…
Việc Tòa án cấp Phúc thẩm áp dụng hình phạt “Trục xuất” đối với bị cáo đã được dư luận đồng tình ủng hộ, cũng từ vụ án này, kiến nghị của Luật sư về việc áp dụng hình phạt “Trục xuất” đối với bị cáo là người nước ngoài đã đặt ra một số nội dung pháp lý cần được xem xét, đánh giá một cách toàn diện và những kiến nghị này đã được Tòa án xem xét, giải quyết một cách thấu đáo, phù hợp với các quy định của pháp luật và những tình tiết đặc biệt của vụ án.
Tóm tắt nội dung vụ án:
Makhov cùng vợ là chị Makhova Irina Vladimikova sang Việt Nam du lịch ngắn ngày kết hợp với chữa bệnh. Tối ngày 14/4/2010, anh và vợ cùng thuê một chiếc xe Innova mang biển kiểm soát 86H-2472 do anh cầm lái đi thăm mấy người bạn Nga cũng đang du lịch ở Phan Thiết. Trên đường đi, do trời rất tối, tầm quan sát bị hạn chế, Makhov đã va phải xe bán hàng rong của anh Phạm Văn Thế ở ven đường, khiến anh Thế bị thương nặng. Mặc dù ngay sau đó, vợ chồng anh đã đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng anh Thế đã chết tại bênh viện. Sau khi sự việc xảy ra, vợ chồng Makhov đã chủ động bồi thường cho gia đình nạn nhân 105.000.000 đồng Việt Nam.
Ngày 09/9/2010, TAND tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, phạt Makhov 18 tháng tù giam về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và buộc Makhov phải bồi thường tiếp cho gia đình nạn nhân số tiền 50.000.000 đồng .
Ngay sau đó, Makhov đã có đơn kháng cáo xin được xét xử Phúc thẩm và mời Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Sau khi tiếp xúc với bị cáo và đi sâu nghiên cứu vụ án, LS bào chữa cho Makhov đã nhận thấy đây là một vụ án khá đặc biệt bởi có nhiều tình tiết rất đáng lưu ý.
– Điều đáng lưu ý đầu tiên là khi gây tai nạn, Makhov là người cầm lái. Tuy nhiên, anh không có giấy phép lái xe (GPLX) theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng lại có GPLX quốc tế. Do mới đến Việt Nam và chỉ ở Việt Nam một thời gian ngắn nên anh không làm thủ tục đổi bằng lái xe quốc tế sang bằng lái xe Việt Nam. Vì vậy, LS thấy cần làm rõ vấn đề GPLX quốc tế liệu có giá trị như GPLX của Việt Nam hay không? Nếu GPLX quốc tế có giá trị như GPLX của Việt Nam thì hành vi phạm tội của Makhov sẽ không bị coi là có tình tiết định khung tăng nặng “Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định” để áp dụng điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS.
Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan đến việc cấp, đổi GPLX, bằng lái xe, LS bảo vệ cho Makhov thấy rằng pháp luật Việt Nam hiện chỉ quy định trường hợp “người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập ở Việt Nam với thời hạn từ 3 tháng trở lên có giấy phép lái xe Quốc tế hay Quốc gia còn thời hạn sử dụng nếu có nhu cầu lái xe ở VN được xét làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng ở VN” và “Khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào VN có giấy phép lái xe Quốc tế hay Quốc gia còn thời hạn sử dụng , nếu có nhu cầu lái xe ở VN được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của VN” (điểm e, g khoản 5 Điều 44 Thông tư của Bộ Giao thông vận tải số 07/2009/TT-BGTVT ngày 19/06/2009 về đối tượng được đỏi giấy phép lái xe). Như vậy, đối với hai trường hợp: người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam thời hạn dưới 3 tháng và trường hợp khách du lịch nước ngoài có GPLX ô tô quốc gia hoặc quốc tế còn hạn sử dụng nhưng có nhu cầu thuê xe ô tô ở Việt Nam để tự lái thì chưa có quy định nào điều chỉnh.
Để làm rõ quy định của pháp luật về vấn đề này, LS đã có văn bản gửi Tổng Cục đường bộ Việt Nam đề nghị cho ý kiến về hai trường hợp đã nêu trên. Ngày 01/10/2010, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã có Công văn phúc đáp số 2741/TCĐBVN-QLPT&NL. Công văn này nêu rõ: “Hiện nay, Việt Nam chưa tham gia ký kết Công ước về giao thông đường bộ tại Viên…. Vì vậy, GPLX quốc gia hoặc GPLX quốc tế của người nước ngoài không được công nhận khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam”. Điều này cho thấy quy định của pháp luật VN về việc sử dụng GPLX của nước ngoài tại VN còn nhiều hạn chế và bất cập đối với khách du lịch nước muốn thuê xe tự lái tại Việt Nam, bởi thực tế họ đã có bằng lái xe, tại đất nước họ sinh sống phương tiện đi lại của họ chủ yếu là ô tô, và hiện nay việc công nhận GPLX quốc tế là xu hướng phổ biến tại các quốc gia. Việc không thừa nhận GPLX quốc tế tại Việt Nam cũng là một hạn chế khi xu hướng mở cửa, hội nhập của đất nước đang ngày một phát triển.
– Một tình tiết đáng lưu ý khác là khi xét xử vụ án này, LS nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét một cách thỏa đáng những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Makhov.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Makhov đã tích cực đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong. Bên cạnh đó, Makhov cũng đã tích cực hợp tác và khai báo thành khẩn với cơ quan điều tra, đã chủ động bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 105 triệu đồng.
Sau phiên tòa Sơ thẩm, mặc dù đã có đơn kháng cáo xin được miễn khoản tiền bồi thường thêm 50 triệu đồng, nhưng sau đó, do thông cảm với hoàn cảnh gia đình nạn nhân cũng hết sức khó khăn, Makhov đã tìm đến các bạn bè là người Nga hiện đang ở Việt Nam vay mượn, cố gằng bồi hoàn nốt số tiền này cho gia đình nạn nhân.
Thêm vào đó, gia đình Makhov hiện đang có nhiều khó khăn, Makhov phải nuôi một mẹ già và hai con nhỏ, bản thân lại mang bệnh nặng. Đó là căn bệnh xơ cứng tỏa lan (một bệnh thuộc nhóm bênh thần kinh): sự tiến triển nối cơn, thời kỳ chưa hoàn toàn thuyên giảm, hội chứng mệt mỏi mãn tính, cơ quan y tế VN cũng khuyên Makhov cần phải sớm về nước tiếp tục điều trị.
Trước tình cảm và sự hối lỗi chân thành của anh, gia đình nạn nhân cũng rất thông cảm và có đơn bãi nại đối với Makhov, họ cũng đề nghị Cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ cho anh trong quá trình tố tụng.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư bảo vệ cho Makhov đã cho rằng, mức án do TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên là quá nghiêm khắc đối với Makhov, dưới góc độ các quy định của luật hình sự hoàn toàn có thể kết án bị cáo với mức hình phạt phù hợp hơn. LS đã hướng dẫn cho Makhov thực hiện các thủ tục cần thiết để bổ sung nội dung kháng cáo và tiến hành việc bồi thường khoản tiền 50 triệu đồng mà Tòa án cấp Sơ thẩm đã tuyên trước khi phiên tòa xét xử phúc thẩm được mở.
Trong bản kiến nghị gửi đến Tòa án cấp phúc thẩm, sau khi nêu đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho Makhov – kể cả tình tiết giảm nhẹ mới phát sinh sau phiển tòa Sơ thẩm- LS đã nêu rõ:
“Trường hợp phạm tội của bị cáo Makhov có tới 03 tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm a, b, p khoản 1 Điều 46 BLHS …Ngoài ra, bị cáo Makhov còn một số tình tiết giảm nhẹ khác (không quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS) như gia đình bị hại đã có đơn bãi nại cho bị cáo và trước phiên tòa Phúc thẩm cũng vẫn đề nghị giảm nhẹ hình phạt để Makhov sớm được về đoàn tụ với gia đình; Tổng Lãnh sự quán CHLB Nga tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều Công hàm đề nghị xem xét, chiếu cố giảm nhẹ hình phạt cho Makhov; gia đình bị cáo Makhov hiện đang có nhiều khó khăn; đặc biệt là tình trạng sức khỏe của Makhov hiện nay có nhiều dấu hiệu xấu….”
Như vậy, theo quy định tại Điều 47 BLHS thì “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật…”.
Vì vậy, trong bản kiến nghị gửi Tòa án cấp Phúc thẩm, LS bào chữa cho Makhov đã đề nghị Tòa án áp dụng hình phạt trục xuất đối với Makhov vì những lý do sau đây:
a) Về mặt lý luận:
Trong hệ thống hình phạt nêu tại Điều 28 BLHS có quy định về hình phạt “trục xuất”. Đây là một hình phạt có thể áp dụng là hình phạt chính hoặc cũng có thể áp dụng là hình phạt bổ sung khi không áp dụng là hình phạt chính. Điều 32 BLHS đã quy định rõ: “Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được Toà án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể”. Tuy nhiên, trong phần các tội phạm cụ thể, BLHS hiện hành lại không có điều luật nào quy định về hình phạt trục xuất. Mặc dù vậy, theo quy định tại Điều 32 BLHS thì hình phạt trục xuất có một số đặc điểm như sau:
– Đối tượng được áp dụng hình phạt trục xuất chỉ có thể là người nước ngoài;
– Hình phạt trục xuất có thể được áp dụng đối với người nước ngoài phạm bất kỳ tội nào được quy định trong Bộ luật hình sự;
– Theo “thứ tự” được quy định tại khoản 1 Điều 28 BLHS thì hình phạt này cũng chỉ áp dụng với những đối tượng phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
Ngoài ra, những nội dung liên quan đến việc áp dụng hình phạt trục xuất cũng đã được TANDTC đề cập đến tại Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ. Theo văn bản này thì: Trong trường hợp người phạm tội là người nước ngoài có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nếu xử phạt tù thì không thể cho hưởng án treo được, nhưng họ có đủ các điều kiện quy định tại Điều 47 BLHS 1999 và đã được hướng dẫn tại Mục 10 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để có thể được chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà Toà án có thể áp dụng hình phạt trục xuất hoặc hình phạt tiền.
Với các nội dung nêu trên thì Makhov có đủ điều kiện để được áp dụng hình phạt trục xuất.
b) Về mặt thực tế:
Mặc dù hành vi phạm tội của bị cáo Makhov thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản Điều 202 BLHS (không có GPLX hoặc bằng lái xe theo quy định) nhưng do có tới 03 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS nên theo quy định tại Điều 47 BLHS, Makhov sẽ được áp dụng một trong các loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù được quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS
Tuy nhiên khoản 1 Điều 202 BLHS chỉ quy định hai hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù là hình phạt phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ .
Luật sư đã phân tích: Trong vụ án này, bị cáo Makhov không phải là công dân Việt Nam, không thường trú tại Việt Nam, đã bồi thường cho gia đình bị hại số tiền khá lớn, hoàn cảnh hiện cũng đang có nhiều khó khăn nên việc áp dụng hình phạt phạt tiền hay cải tạo không giam giữ đối với bị cáo đều không phù hợp. Bị cáo Makhov là người nước ngoài, sang Việt Nam du lịch và chữa bệnh trong thời gian ngắn nên cũng không phải là đối tượng có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp án treo.
Do vậy, để phù hợp với nguyên tắc giải quyết vụ án hình sự theo hướng “có lợi cho người phạm tội” và mục đích nhân đạo mà BLHS hướng tới, xét trường hợp thực tế của bị cáo Makhov, Luật sư đã đề nghị HĐXX xem xét, áp dụng hình phạt trục xuất theo quy định tại Điều 32 BLHS đối với bị cáo Makhov. Kiến nghị của Luật sư về đường lối giải quyết vụ án cũng đã được Luật sư gửi đến Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiêm sát ngay trước phiên tòa.
Tại phiên tòa, sau phần xét hỏi, một điều đặc biệt nữa (khá ít gặp trong các phiên tòa hình sự) đã xảy ra. Đó là quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát xét xử Phúc thẩm, VKSNDTC tại TP Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn đồng nhất với quan điểm của Luật sư nêu trong kiến nghị. Quan điểm biện hộ của Luật sư – đặc biệt là việc phân tích về phương diện lý luận khi đề nghị áp dụng hình phạt Trục xuất – đã được Hội đồng xét xử chú ý lắng nghe và kết quả là một bản án chính xác, khách quan, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thể hiện đầy đủ tính nhân đạo, nhân văn đã được tuyên ngay sau đó: Kháng cáo của Makhov đã được Tòa án cấp Phúc thẩm chấp nhận, Makhov được áp dụng hình phạt Trục xuất mà không phải chấp hành hình phạt 18 tháng tù như Tòa án cấp Sơ thẩm đã tuyên…
Vụ án Makhov không phải là một vụ án lớn nhưng quá trình xét xử phúc thẩm – với sự tham gia tích cực của Luật sư bào chữa- đã làm nảy sinh nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực. Xin nêu lại vụ án để các đồng nghiệp cùng tham khảo
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật – Đoàn Luật sư TP Hà Nội