Bị bạn vu khống ăn cắp tiền dẫn đến tự sát thì truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

15

Tự sát vì bị bạn vu khống ăn cắp tiền truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào? Lăng mạ khiến người khác tự sát thì truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào? Truy cứu trách nhiệm hình sự sai người khiến người bị truy cứu tự sát thì xử lý như thế nào?

Chào anh/chị, gần đây tôi biết đến một sự việc một em học sinh tự sát sau khi bị bạn bè vu khống ăn cắp tiền. Anh/chị cho tôi hỏi nếu em học sinh đó tự sát do hành vi vu khống đó thì truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào? Trường hợp vì lời vu khống đó mà có nhiều lời đàm tiếu, lăng mạ khiến em này tự sát thì truy cứu trách nhiệm hình sự ra sao ạ?

Mong anh/chị tư vấn!

1. Tự sát vì bị bạn vu khống ăn cắp tiền truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vu khống như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

………….

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vì động cơ đê hèn;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Theo quy định nêu trên, người có hành vi bịa đặt, vu khống mà dẫn đến hậu quả nạn nhân tự sát thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống và áp dụng hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Tuy nhiên, theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 nói trên quy định về trách nhiệm hình sự với tội vu khống chỉ áp dụng với người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Theo đó, nếu các bạn học này khi nhỏ hơn 16 tuổi có sự vu khống dẫn đến em học sinh đó tự sát sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

2. Lăng mạ khiến người khác tự sát thì truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội làm nhục người khác như sau:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

………

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác mà khiến nạn nhân tự sát sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và áp dụng hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên, theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi phạm tội với tội làm nhục người khác sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chưa đủ 16 tuổi trở lên.

3. Truy cứu trách nhiệm hình sự sai người khiến người bị truy cứu tự sát thì xử lý như thế nào?

Theo Điều 368 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội như sau:

1. Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Đối với 02 người đến 05 người;

c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

đ) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Đối với 06 người trở lên;

b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan tự sát.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội được cấu thành từ hai yếu tố bao gồm chủ thể phạm tội người có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự và người thực hiện hành vi phạm tội biết rõ người này không có tội.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội được quy định như trên.

Trân trọng!