1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11
– Chỉ thị số 21/2003/CT-TTg ngày 02/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đăng ký giao dịch bảo đảm
– Nghị quyết số 07/2007/QH12 ngày 12/11/2007 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2008.
– Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/03/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc đăng ký giao dịch bảo đảm.
– Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm
– Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính – Bộ Tư pháp số 36/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 29/04/2008 sửa đổi, bổ sung thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP 10/01/2007 hướng dẫn chế độ Thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.
– Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT/BTC-BTP ngày 10/01/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm
– Thông tư số 04/2007/TT-BTP ngày 17/05/2007 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ
2. Thành phần hồ sơ
2.1. Đơn yêu cầu theo mẫu.
2.2. Văn bản uỷ quyền yêu cầu đăng ký (bản chính), nếu người yêu cầu đăng ký là người được uỷ quyền. Tuy nhiên, đối với những trường hợp sau đây thì không cần nộp văn bản uỷ quyền yêu cầu đăng ký:
– Pháp nhân uỷ quyền cho chi nhánh, văn phòng đại diện, văn phòng điều hành của pháp nhân đó yêu cầu đăng ký;
– Một bên tham gia hợp đồng bao gồm nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau ủy quyền cho một người trong số đó yêu cầu đăng ký;
– Người được uỷ quyền yêu cầu đăng ký là khách hàng thường xuyên của Trung tâm Đăng ký.
2.3. Bản sao hợp đồng, giấy tờ chứng minh căn cứ của việc đăng ký (nếu có) trong trường hợp chỉ có một bên ký vào đơn yêu cầu đăng ký.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp chỉ có một bên ký vào đơn sau đây thì không cần nộp bản sao văn bản về giao dịch bảo đảm:
– Bên bán trả chậm, trả dần, bên cho thuê tài sản, bên cho thuê tài chính, bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ hoặc người được các bên nêu trên ủy quyền trong trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót thông tin về chính các bên đó hoặc yêu cầu xóa đăng ký hợp đồng.
3. Trình tự thực hiện
1. Nộp đơn yêu cầu:
Khách hàng nộp đơn yêu cầu đăng ký thay đổi tại một trong các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh;
2. Giải quyết đơn:
Đăng ký viên kiểm tra nội dung đơn yêu cầu đăng ký thay đổi và ghi thời điểm nhận đơn (giờ, phút, ngày, tháng, năm), sau đó ký và ghi rõ họ tên trên đơn. Trong trường hợp đơn được nộp trực tiếp tại Trung tâm Đăng ký thì Đăng ký viên cấp cho người yêu cầu đăng ký giấy hẹn trả kết quả đăng ký, trừ khi đơn yêu cầu đăng ký được giải quyết ngay. Sau đó, Đăng ký viên phải kịp thời nhập các nội dung kê khai trên đơn yêu cầu đăng ký thay đổi vào Hệ thống dữ liệu (Nếu có một trong các căn cứ từ chối thì Đăng ký viên từ chối đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định. Việc từ chối đăng ký phải được lập thành văn bản gửi cho người yêu cầu đăng ký trong đó nêu rõ lý do từ chối) ;
3. Chứng nhận đơn:
Thủ trưởng Trung tâm Đăng ký chứng nhận đơn yêu cầu đăng ký;
4. Trả kết quả:
Khách hàng nhận Bản sao đơn yêu cầu đăng ký thay đổi có chứng nhận của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản trực tiếp nơi đã nộp đơn hoặc qua đường bưu điện, tuỳ theo yêu cầu của người yêu cầu đăng ký kê khai trên đơn.