Ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 13/2022/TT-BYT về quy trình, biểu mẫu giám định pháp y, thời hạn, nhân lực thực hiện giám định pháp y.
Theo Thông tư này, thời gian giám định pháp y được quy định cụ thể như sau:
– Không quá 03 tháng đối với tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
– Không quá 01 tháng đối với nguyên nhân chết người; mức độ ô nhiễm môi trường;
– Không quá 20 ngày đối với các trường hợp giám định độc chất, mô bệnh học, ADN và không quá 01 tháng đối với trường hợp phải hội chẩn;
– Không quá 09 ngày đối với tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động; chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ; xâm hại tình dục, hành hạ ngược đãi, xác định giới tính, sự có thai, khả năng tình dục nam và không quá 18 ngày đối với trường hợp phải hội chẩn;
– Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không các trường hợp trên tối đa là 03 tháng.
Nguyên tắc tính thời hạn giám định, gia hạn thời hạn giám định pháp y và giải quyết vướng mắc trong trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn giám định thực hiện theo quy định tại Điều 26a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Thông tư 13/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/03/2023.
Tạ Thị Thanh Thảo