Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm cho doanh nghiệp
1. Trình tự thực hiện:
Bước 1: Nộp hồ sơ:
– Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo qui định của pháp luật, nộp hồ sơ tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm cho doanh nghiệp. Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Nhận kết quả:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trả kết quả cho doanh nghiệp.
2. Thành phần, số lượng hồ sơ:
a. Thành phần hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm (theo mẫu đính kèm), bao gồm những nội dung chủ yếu: tên Doanh nghiệp; địa chỉ, số điện thoại, fax, email; số tài khoản giao dịch; số giấy phép đăng ký kinh doanh; vốn điều lệ tại thời điểm đề nghị cấp phép; họ và tên Tổng giám đốc (Giám đốc); Kế hoạch hoạt động giới thiệu việc làm trong thời hạn được cấp giấy phép;
– Bản sao chứng thực Giấy phép đăng ký kinh doanh của Doanh nghiệp;
– Các giấy tờ và văn bản chứng minh đủ các điều kiện để cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm theo quy định, bao gồm:
+ Bản sao chứng thực một trong các giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc văn bản giao trụ sở làm việc cho doanh nghiệp sử dụng của cơ quan có thẩm quyền hoặc hợp đồng thuê trụ sở làm việc để đảm bảo cho hoạt động giới thiệu việc làm trong thời hạn 36 tháng;
+ Bản kê khai trang thiết bị, các phương tiện làm việc và đi lại; danh sách trình độ chuyên môn nhân viên của Doanh nghiệp tại thời điểm đề nghị cấp giấy phép;
+ Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận ký quỹ tại Ngân hàng.
(Ký quỹ tại ngân hàng đối với doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm: được thực hiện theo những qui định tại Thông tư số 02/2006/TT-NHNN ngày 12/4/2006 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
b. Số lượng hồ sơ: 01 bộ
3. Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
4. Yêu cầu, điều kiện thực được cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm:
– Doanh nghiệp có địa điểm và trụ sở làm việc dành cho hoạt động giới thiệu việc làm ổn định từ 36 (ba mươi sáu) tháng trở lên, nằm ở vị trí thuận lợi và đủ diện tích cho việc giao dịch, hoạt động của Doanh nghiệp;
– Diện tích làm việc và hoạt động của Doanh nghiệp phải đảm bảo bố trí đủ các phòng: tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động, thông tin thị trường lao động và có trang bị máy vi tính, điện thoại, máy fax, email và các tài liệu liên quan đến thị trường lao động và các trang thiết bị khác để phục vụ khách hàng;
– Doanh nghiệp có ít nhất 300 (ba trăm) triệu đồng Việt Nam ký quỹ tại ngân hàng để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động;
– Doanh nghiệp có ít nhất 05 (năm) nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, luật, ngoại ngữ; mỗi chuyên ngành phải có ít nhất một người. Người được tuyển dụng vào Doanh nghiệp để hoạt động giới thiệu việc làm phải là người có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
5. Căn cứ pháp lý:
– Bộ Luật Lao động;
– Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm;
– Nghị định số 71/2008/NĐ-CP ngày 05/6/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số ngày 28/2/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm;
– Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm;
– Thông tư số 27/2008/TT-BLĐTBXH ngày 20/11/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm.